Định kiến của tư duy “bần nông”

Định kiến của tư duy

“Bần nông” là khái niệm của thời kháng khiến, dùng để chỉ tầng lớp cùng đinh trong xã hội, những con người nghèo khổ sống trong sự khốn cùng. Ngày nay, cụm từ “bần nông” được ám chỉ nói về tư duy eo hẹp của của số lớp người có cái nhìn một chiều, phiến diện.

Trước khi tôi đi du học, sống ở Việt Nam, lại sinh trưởng trong gia đình trí thức nên tôi có cái nhìn khá “dị ứng” với các thanh niên xăm trổ. Với tôi, họ là những người sống ngoài lề xã hội, là thành phần giang hồ, không có trí tuệ, và tôi không bao giờ kết giao với những người xăm trổ đầy mình.

Sau khi rời Việt Nam sang Úc học, tôi mới thấy hoảng hốt khi ngôi trường tôi học có rất nhiều sinh viên ở Châu Á xăm hình, cả sinh viên Việt Nam sang học cũng có một đống hình xăm khắp người, to tướng. Rồi đến ông thầy dạy môn Marketing cũng xăm hình, lên lớp mặc áo phông không cổ, đầu tóc rối bù, chân dép tông, quần sooc lửng, trông chẳng đạo mạo mô phạm như tôi tưởng tượng, tôi khá sốc!

Định kiến của tư duy

Khi được xếp vào team 6 người mà có đến 4 người xăm trổ, tóc tai nhuộm xanh đỏ, tôi thầm nghĩ “Mấy bạn này chắc gia đình khá giả nên bố mẹ cho sang đây ăn chơi nhảy múa chứ học hành gì…”. Nghĩ đến việc phải làm việc chung với họ, tôi thấy e ngại. Nhưng lại một lần nữa họ là tôi sốc, vì tư duy của họ thực sự rất tốt, cách làm việc nhóm rất chuyên nghiệp, sáng tạo, tôn trọng ý kiến cá nhân và độc lập về tư tưởng…Sau buổi học nhóm và làm bài tập lần đầu tiên, tôi thực sự thay đổi tư duy “bần nông” của mình về cách nhìn nhận một con người. “Đừng bao giờ hồ đồ khi nhận xét ai đó qua vẻ bề ngoài!”  – Tôi đã tự dặn lòng mình như thế!

Sau khi học xong về nước. Tôi làm ở một công ty bất động sản, chuyên tư vấn kinh doanh và kêu gọi đầu tư. Khách hàng của tôi toàn những người thuộc tầng lớp thượng lưu, bóng bẩy, xài toàn đồ hiệu, nói năng kín kẽ, lịch thiệp. Nhưng nói thật, đó chỉ là vẻ bề ngoài tôi trong thấy, có những ông chủ trông nuột nà hàng hiệu từ trong ra ngoài, nhưng tư duy thì rất “bần nông”. Trí tuệ là thứ không phải cứ đắp một tấn hàng hiệu vào người là bản thân sẽ có thể trở nên thông thái, mẫn tiệp.

Có lần, tôi gặp gỡ và làm việc với một khách hàng trông có vẻ như típ người tôi vừa nêu trên. Bóng bẩy, ngạo nghễ và trông có vẻ có tư duy “bần nông”, cái âu phục không xứng với cái kì đức cho lắm! Tôi cứ phải cố giảng giải một cách thật dễ hiểu bản kế hoạch của mình, vừa nói vừa liên hệ thực tiễn kiểu đơn giản nhất như tôi vẫn từng làm với một số đối tác khác vì sợ họ không hiểu. Sau khi trình bày xong, tôi thầm nghĩ “chắc đối tác cũng chỉ là dạng vừa thôi!”. Nhưng, tôi lại sốc vì cái tư duy “bần nông” của mình!

Vị CEO bóng bẩy vừa ngồi vừa ngủ gật nãy giờ cau mày phẩy tay bảo trợ lý của mình nói trước về bản kế hoạch của tôi, sau đó vị này mới chỉ ra cho tôi từng cái ưu nhược điểm trong kế hoạch của mình, không sót một đoạn nào, tôi ngồi nghe bỗng toát hết mồ hôi hột, kể cả những phần tôi làm chưa tới, tôi cố tình lướt nhanh nhưng vị này vẫn phân tích rành rọt từng ý một. Nể thật!

Thêm một lần nữa, tôi thấy xấu hổ vì cái định kiến kiểu “bần nông” của mình khi cho mình cái quyền phán xét một ai đó qua lăng kính phiến diện của mình!

Định kiến của tư duy

“Đừng bao giờ hồ đồ phán xét ai đó qua vẻ bề ngoài”  – ý niệm ấy tôi nghĩ mình đã học thuộc nhưng thực hành mới khó làm sao! Chỉ qua những lần vỡ vạc tôi mới thấy những bài học về cách nhìn nhận con người không thể là ngày một ngày hai.

Vẻ bề ngoài chỉ là phong cách. Có người thích thâm trầm, có người thích ăn to nói lớn, có người bảnh bao, có người bụi bặm, người thờ ơ, người im ỉm…Ta có thể không thích phong cách của họ, nhưng đừng đánh đồng khái niệm phong cách và “nội dung” của người đó cho đến khi bạn làm việc với họ!

Vẻ bề ngoài nói lên một phần về con người họ, không quyết định tất cả. “Chiếc áo không làm nên thầy tu” là một câu nói hợp lý trong cách nhìn nhận một con người. Dĩ nhiên, cái cảm giác “yêu – ghét” luôn xuất hiện trong trực giác của chúng ta ngay từ phút đầu gặp gỡ, nhưng đừng mang định kiến của tuy duy “bần nông” áp đặt trong giao tiếp, khi mà ta chưa kết nối và hiểu họ.

 

Khánh Hoàng

 

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.