Đột nhiên các khớp xương ở ngón chân bị sưng tấy, lông chân bắt đầu rụng, bị chuột rút và chân luôn quá lạnh… đừng xem thường, sức khỏe của bạn đang có vấn đề.
-
1
Rụng lông chân
Về mặt thẩm mỹ, không có lông chân là mơ ước của nhiều chị em, nhưng có mà rụng dần lại là dấu hiệu đáng lo ngại. Nó báo hiệu tình trạng sức khỏe đang có vấn đề và ta không được phép bỏ qua.
Rụng lông chân thường là kết quả của tình trạng máu cung cấp cho chân không đủ. Còn có những nguyên nhân khác nữa như béo phì, có bệnh về gan hoặc thận. Vì thế rụng lông chân không chỉ là dấu hiệu của trục trặc trong lưu thông máu.
Rụng lông chân thường đi kèm với các hiện tượng như viêm tắc tĩnh mạch, da khô, có cảm giác đôi chân nặng nề. Trường hợp nặng hơn là chân đau, đau cả mông và đùi, nhất là khi ở trạng thái tĩnh. Những người thiếu máu cung cấp cho chân dễ có những hiện tượng này.
Khi có các triệu chứng trên bạn nên kịp thời đến bệnh viện để kiểm tra. Trong trường hợp ngược lại – sẽ gia tăng nguy cơ bị bệnh tim hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.
-
2
Chân bị chuột rút
Chuột rút thường xảy ra khi chơi thể thao quá sức hoặc làm việc quá căng thẳng. Mặc dù hiện tượng chuột rút phần lớn không nguy hiểm và không hủy hoại sức khỏe, nhưng nó làm cho ta rất khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Năm 2011, các nhà khoa học Mỹ thuộc Mayo Clinic đã tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân chuột rút. Theo kết luận của công trình nghiên cứu, chuột rút ở chân là do cơ thể bị mất nước và thiếu kali.
Khi bị chuột rút bạn nên xoa bóp nhẹ nhàng vị trí cơ bắp bị sự cố, sau đó bổ sung nước và kali. Bạn có thể uống thuốc bổ sung kali, hoặc ăn những thực phẩm giàu nguyên tố này, như chuối, cá hồi, đậu, khoai tây hoặc cam.
-
3
Chân bị lạnh
Phụ nữ thường bị lạnh chân nhiều hơn đàn ông. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể khác nhau, nhưng phổ biến nhất là do chức năng của tuyến giáp hoạt động kém hoặc cơ thể không cung cấp đủ máu cho chân. Nếu do tuyến giáp hoạt động kém thường có thêm các biểu hiện như mệt mỏi, trầm cảm, da khô hoặc tăng cân bất thường.
Lạnh chân còn là triệu chứng của bệnh hiểm nghèo như đột quỵ hoặc đau tim. Trong trường hợp tự nhiên chân lạnh kèm theo tức ngực, cảm thấy hốt hoảng, nói ngọng, chóng mặt, nhức đầu, cử động khó khăn hoặc khó thở – cần phải đi cấp cứu ngay.
-
4
Viêm các khớp ngón chân
Nếu trước khi đi ngủ, sức khỏe của bạn hoàn toàn bình thường, nhưng khi tỉnh dậy ngón chân cái bị đau, khớp xương tấy đỏ, da bóng và sưng, đó là những dấu hiệu của bệnh gút. Nhiều người nghĩ rằng, gút là bệnh của người già, nhưng trên thực tế, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh gút.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2011 được đăng ở tạp chí Arthritis & Rheumatism, vào 2 thập kỷ gần đây, số bệnh nhân gút đã tăng hơn 40%. Nguyên nhân chủ yếu là do gia tăng số người bị béo phì và cao huyết áp.
Cần chú ý các triệu chứng của ngón chân để đảm bảo sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Triệu chứng đầu tiên của bệnh gút và thường xuất hiện ở ngón chân cái, sau đó lan sang các khớp xương. Ngay cả khi các khớp xương bị tấy đỏ và đau đớn khó chịu thì đó vẫn chưa phải là hậu quả duy nhất của căn bệnh này.
Theo các nhà khoa học, bệnh gút còn liên quan đến nguy cơ bị suy thận, bệnh tim mạch hoặc bệnh tiểu đường. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng ở những người bị gút, nguy cơ bị bệnh tim tăng đến 26%.
-
5
Đau chân khi đi bộ
Không hề bị chấn thương, nhưng không hiểu sao – mỗi khi đi bộ lại bị đau chân. Nguyên nhân của hiện tượng chính là gẫy xương vì mỏi hoặc stress.
Tình trạng này thường xảy ra ở xương bàn chân và nguy hiểm hơn gẫy xương theo quan niệm cổ điển. Nó xuất hiện từ từ do quá trình cơ thể lên cân hoặc do tập luyện quá sức (thí dụ như tập thể thao với cường độ cao hoặc tập không đúng tư thế).
Nguyên nhân cũng có thể vì chế độ dinh dưỡng không lành mạnh (thí dụ thực đơn thiếu vitamin D), hoặc cơ thể thiếu canxi. Theo kết quả nghiên cứu của Phần Lan năm 2005, những người cao hay bị gẫy xương do mỏi hơn những người thấp hoặc có chiều cao bình thường. Nên biết, gẫy xương do mỏi phải sau thời gian 3 tuần kể từ lúc có cảm giác đau xét nghiệm X-quang mới nhìn thấy.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thuộc Harward medical school vào năm 2011, tỷ lệ phụ nữ bị gẫy chân do mỏi cao hơn nhiều so với đàn ông, nhất là những người có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc bản thân người đó hay tập chạy với cường độ cao hơn (hơn 8 giờ/ một tuần), chơi bóng rổ hoặc thể dục dụng cụ.
Muốn tránh nguy cơ gẫy xương do mỏi, cần bổ sung vitamin D vào thực đơn. Theo kết quả một công trình nghiên cứu nhiều năm tại Vương quốc Anh kết quả mới được hãng tin Reuter công bố đầu năm nay những phụ nữ có khẩu phần ăn giàu vitamin D, tỷ lệ người bị gẫy xương do mỏi giảm một nửa.