Đôi điều hé mở về “thung lũng các xác ướp”

Đôi điều hé mở về “thung lũng các xác ướp”

Tại vùng đất bị quên lãng cách Cairo 380km về phía tây nam, một thời kỳ dài trong quá khứ từng nằm dưới ách đô hộ của các đế chế Hy Lạp và La Mã hùng cường, giới khảo cổ học Ai Cập đã phát hiện ra khu quần thể lăng mộ huyễn hoặc rộng tới 36km2, với vô vàn các xác ướp được mai táng.

Đôi khi sự tình cờ lại là một dịp may lớn, ngay cả với nền khảo cổ học hiện đại cũng vậy. Và một trong những điều “may mắn” lớn lao đã xảy đến với nền văn minh hiện đại tại Bahariya, vùng lãnh thổ heo hút cách thủ đô Ai Cập gần 400km.

Khi người gác đêm ở ngôi đền thờ Alexander Đại đế – có niên đại cách đây 24 thế kỷ – đang chậm rãi cưỡi con la nhỏ trên đường trở về nhà, độ 1km cách tòa thánh đường, bỗng chú la không lê bước nổi nữa. Nó đã bị sa lầy trong cát… Viên tuần cảnh buộc phải nhảy xuống đất nhằm giúp con vật thoát ra khỏi vùng lầy. Té ra chàng “kỵ mã” của ông ta bị sa chân xuống một cái hố nhỏ – rất hiếm gặp nơi đây.

Mất hẳn vẻ ngái ngủ cố hữu, người bảo vệ rút chân con la lên và phát hiện… một xác ướp bọc vàng!”, đó là nguyên văn lời tường thuật của Zahi Hawass, đương kim Tổng giám đốc các khu di tích tại Sahara, một cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Ai Cập.

Ông Z. Hawass kể tiếp: “Theo luật định, khu vực vừa được khám phá phải do cơ quan chúng tôi phong tỏa ngay, trước khi giới khảo cổ học được mời tới… Và chúng tôi đã thực thi đúng như vậy, bất chấp điều kiện thời tiết của chốn này”.

Đôi điều hé mở về “thung lũng các xác ướp”
Hiện trường khai quật một khu hầm mộ giữa chốn Bahariya heo hút.

Rồi ông tay chỉ ra hướng hoang mạc, nơi có cả trăm khối đất vuông vức đổ thành đống, khiến màu đất nâu mới “át” hẳn màu xám trắng cố hữu giữa chốn sa mạc: Đó chính là công trường khai quật lần lượt 150 quần thể lăng mộ ở Bahariya suốt mấy năm qua. Bất cứ huyệt mộ nào cũng đều hiện hữu xác ướp cả, bởi thế cho nên giới khảo cổ học mới gọi nơi đây là “Thung lũng của các xác ướp”.

“Ba ngôi mộ đầu tiên được người ta dùng cuốc và xẻng gạt lớp cát bên trên ra – vẫn theo lời ông Z. Hawass – Chúng thuộc một quần thể lăng tẩm dòng tộc rộng lớn, cấu thành từ năm 332 trước CN đến thế kỷ thứ IV sau Công nguyên”.

Như lịch sử đã biết, thì hơn 2.300 năm trước đấy, theo dòng chảy của sông Nile, các sắc dân thuộc Thượng và Hạ Ai Cập đã quy tụ lại trong một đế chế thống nhất. Các thế kỷ tiếp nối tại xứ này đã hình thành và phát triển một trong những nền văn minh cực thịnh nhất trên trái đất; cũng chính vào thời điểm ấy người Ai Cập đã dựng nên các Kim tự tháp đầy kỳ tích nhằm bảo đảm cuộc sống vĩnh hằng cho giới lãnh chúa của họ.

Trong 2 ngôi mộ – thuộc 3 ngôi đầu tiên được xúc tiến khai quật – có những bậc thang ngắn dẫn tới một căn hầm nhỏ, sau ngách cửa bằng gỗ sồi dày là vô số các xác ướp thuộc cùng một họ tộc. Chôn theo họ là hằng hà sa số những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, nhằm giúp người chết chóng ổn định cuộc sống ở thế giới bên kia.

Nấm mồ thứ 3 lại hoàn toàn vuông vức, nằm dưới độ sâu cỡ 5m, với các vách tường được chạm khắc các dòng chữ tượng hình còn rõ nét. Tại đây chỉ có duy nhất một xác ướp, được ông Z. Hawass gọi bằng cái tên “T-X“. Đó là một thi thể phụ nữ, được quấn chặt bằng các tấm khăn liệm tẩm nhựa thông. Hiển nhiên màu trắng ban đầu của các tấm khăn đã ngả màu theo thời gian. Một kiệt tác tuyệt hảo kết hợp hài hòa giữa cơ thể người với các đường nét thần linh.

“Khoảng 30% lượng xác ướp tìm được là thuộc dạng “thánh thiện” như người đàn bà này”, ông Z. Hawass bổ sung thêm. Qua xác định niên đại khảo cổ, các hiện vật thuộc ngôi mộ sau cùng tương ứng với giai đoạn của năm 332 trước CN, liên quan mật thiết tới thời kỳ cầm quyền của Alexander Đại đế – vị tể tướng huyền thoại của người Macedonia.

Sau khi đã chinh phục hầu hết miền Tây Á, Alexander được nghênh tiếp nồng nhiệt ở Ai Cập. Dân chúng bản địa hoan hỉ, bởi đã tới thời khắc chấm dứt hàng trăm năm xung đột và thống trị hà khắc của người Persic.

Đôi điều hé mở về “thung lũng các xác ướp”
Tổng Giám đốc Z. Hawass đang đánh dấu các di chỉ vừa phát hiện.

Tại vùng Địa Trung Hải bắt đầu một sự thay đổi lớn lao về thể chế xã hội cũng như tín ngưỡng tôn giáo. Lối phục sức “hào hoa phong nhã” của dân Ai Cập cổ ngay lập tức đã lôi cuốn được những người Hy Lạp và La Mã từ phương xa tới; rồi các vị thần linh Ai Cập cũng được “hòa đồng” với các chủ thể tương ứng – vốn đối kháng nhau gay gắt một thời – từ các thần thoại của Hy Lạp và La Mã. Ví như ngôi đền thờ ở Bahariya không chỉ thờ Alexander Đại đế, mà còn thờ cả vị thần Herakel huyền thoại của người Hy Lạp…

Sau thời của Alexander Đại đế, nền văn minh Ai Cập hưng thịnh thêm chừng một thế kỷ nữa. Người ta tận dụng thời gian để tô điểm cho cuộc sống thực tại, cũng như sửa soạn chu đáo cho lúc về nơi chín suối.

Ở thời các pharaoh trị vì, chỉ có giới tăng lữ quý tộc chức cao quyền trọng mới được phép ướp xác, thì giờ đây ngay cả giới trung lưu cũng có được cái diễm phúc ấy. Như Giáo sư Nasri Iskander, Giám đốc Bảo tàng Ai Cập học tại Cairo, cho biết: “Trong thời hậu Alexander, người ta đua nhau ướp xác người thân. Đa phần họ chạy theo trào lưu tập tục truyền đời, mà chẳng hiểu tại sao… Dưới thời các pharaoh, mọi nội tạng trong cơ thể người đều được lấy đi trước khi ướp. Thi thể được ngâm trong dung dịch muối cho khô và dễ bó hơn.

Độ 40 ngày sau xác được quấn dày bởi những sợi lanh, rồi được đặt vào và bao bọc qua 2 lớp áo quan gỗ hình chữ nhật chồng lên nhau, cuối cùng mới là cỗ quan tài chính bằng đá khối. Đầu người chết thường đặt quay về hướng đông, để khi đầu thai – tái sinh trong kiếp sau sẽ được nhìn thấy ngay ánh mặt trời soi đường chỉ lối…”.

Đôi điều hé mở về “thung lũng các xác ướp”
Một phần nấm mồ chung.

“Nhưng xin hãy xem đây này – giáo sư N. Iskander chỉ tay vào một tủ trưng bày đặt hiện vật tìm thấy tại “thung lũng các xác ướp” – Từ lúc khai quật cho đến nay, rất hiếm các xác ướp tại Bahariya có được cỗ áo quan nghiêm chỉnh. Cũng như không phải mọi xác ướp đều được đặt quay về hướng đông theo truyền thống. Đôi khi có 2, 3, thậm chí nhiều xác ướp bị người ta “quăng đại” chồng chất lên nhau… khiến chúng chỉ mang cái ý nghĩa nấm mồ chung thuần túy về mặt nhân chủng học mà thôi”.

Quả thật những ngôi mộ ở Bahariya rất khác so với các di chỉ mai táng dạng Kim tự tháp. Trong tất cả 150 xác ướp tìm được cho tới nay, không có bất cứ một hũ tiểu đi kèm nào cả – một vật bất ly thân với các di chỉ chôn cất thuộc thời các pharaoh. Hũ tiểu cạnh mỗi xác để đựng các cơ quan nội tạng của người được ướp và đem chôn cùng, bao gồm phổi, gan, bao tử và ruột già.

Cũng như chẳng thấy bất cứ chiếc mặt nạ mai táng nào – thứ vật bằng kim loại mô phỏng các đường nét của thần linh, trên có khắc chạm hình 4 người con trai của vị thần tối cao Horus trong tín ngưỡng Ai Cập; mà trong thời hậu Alexander, người ta thường thay hình 4 vị thần trẻ tuổi bằng chính các đường nét phù hợp với khuôn mặt người được ướp.

Theo giáo sư N. Iskander, thì những “hiện vật vắng mặt một cách vô lý” ấy minh chứng cho giai đoạn “hòa trộn” với các nền văn minh trong thời Alexander: “Tập tục truyền thống đã ít nhiều chịu ảnh hưởng theo lối suy nghĩ của dân Hy Lạp và La Mã”.

Ngồi bên ngôi mộ, 2 nhà khảo cổ học đang chùi cát bám quanh xác T-X. Trước khi quyết định xem mặt người đẹp quá cố, họ đeo mặt nạ phòng độc vào. “Hay hơn cả nên phòng trước mọi việc – Z. Hawass giải thích – Bởi không thể lường được các loại virus và vi trùng cổ được “cài đặt” sẵn trong các xác ướp có dịp trỗi dậy. Nếu người sống vô tình hít phải chúng, lập tức nhiệt lượng cùng độ ẩm trong 2 lá phổi đang hoạt động sẽ giúp chúng hồi sinh sau giấc ngủ vùi nhiều thế kỷ…

Đôi điều hé mở về “thung lũng các xác ướp”
Xác ướp T-X.

Nếu không đề phòng, cái chết ắt sẽ đến với những ai chủ quan chỉ trong vòng vài ngày, chậm lắm là trong vài tuần. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bi đát như vậy với một vài nhà khảo cổ học quá hăng hái…”.

Riêng giáo sư N. Iskander lại tỏ ra áy náy, ông nói: “Lương tâm tôi vô cùng cắn rứt mỗi khi đụng chạm tới hương hồn người quá cố, xâm phạm thế giới tuyệt đối tĩnh lặng của họ. Tôi đã một mực đề nghị chỉ nên khai quật một phần nhỏ đặc trưng cho thung lũng các xác ướp thôi, may mà ý kiến của tôi đã được các giới chức có thẩm quyền nghe ra. Dù sao đấy cũng là một di tích lịch sử quốc gia cần phải được bảo tồn.

Quả thực thung lũng các xác ướp rộng lớn hơn nhiều so với những điều mà giới khoa học thế giới vẫn tưởng: những quần thể mồ mả ngầm dưới lòng đất trải dày đặc suốt cả một diện tích rộng tới 36km2. Trong thời cổ ở đây từng là nơi sống của khoảng 30.000 dân, chủ yếu là nông dân, thợ thủ công và người làm vườn. Hiển nhiên từng hiện hữu một chốn nghĩa địa khổng lồ nơi này”.

Hơn 700 hiện vật tại Bahariya đã được các nhà khoa học tìm thấy, phần lớn đang được bảo quản trong kho lưu trữ chuyên ngành thuộc Trung tâm Bảo tồn quốc gia đặt tại thành phố El Bawiti.

Đặc biệt có 3 xác ướp bọc vàng được đưa về Bảo tàng Ai Cập học ở thủ đô Cairo, lưu giữ trong các lồng kính trong suốt với độ ẩm và nhiệt độ tiêu chuẩn nhằm phục vụ cho công tác quảng bá và nghiên cứu chúng. Một trong 3 xác có trang điểm trên đầu hình con chim ưng bằng vàng khối – một biểu tượng về vị thần tối cao Horus trong tín ngưỡng Ai Cập cổ.

“Hiển nhiên 3 cái xác này là của những nhà giàu có – ông Z. Hawass nói – Rõ ràng họ là những lãnh chúa sa mạc hoặc tộc trưởng quyền uy. Ngoài ra, Bahariya vốn là một địa danh rất trù phú trong thời cổ, nơi đây từng cung ứng rượu nho cho cả đế chế… Căn cứ vào mặt nạ tẩm liệm của cả 3 xác ướp này, ta thấy hiện lên rõ nét mức độ ảnh hưởng từ các trường phái tạo hình Hy Lạp: tóc quăn, mũi cao, mắt to cùng dáng dấp rất phong lưu.

Nhưng cũng cần nói thêm một sự khác biệt nữa đối với hệ xác ướp thời pharaoh: thay vì vàng khối nguyên chất, mặt nạ tẩm liệm thời hậu Alexander Đại đế lại được thay bằng… thạch cao mạ vàng giản dị và đương nhiên rẻ hơn nhiều”.

 

Theo ANTG