Ngày 22/12, bà Nguyễn Thị Thu Hà ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, vừa viết đơn gửi cơ quan chức năng, yêu cầu công ty Tân Hiệp Phát xin lỗi, bồi thường danh dự, thiệt hại sau lần bị công an bắt, liên quan tới chai nước có dị vật, xảy ra cách đây hơn 4 năm…
Cụ thể, từ năm 2009, bà Hà mở quán ăn có tên Thác Vàng. Trong quá trình kinh doanh, quán thường xuyên nhập nước ngọt của Tân Hiệp Phát về bán cho khách. Thời điểm này quán làm ăn khá phát đạt, doanh thu 20 triệu đồng/tháng.
Được một thời gian, khách tại quán phát hiện chai sữa đậu nành vón cục, dù còn thời hạn sử dụng, nắp chưa khui. Do lần đầu gặp sự cố, bà Hà im lặng, tự đứng ra xin lỗi khách. Tuy nhiên, sau đó khách trong quán lại phát hiện chai Number 1 chưa khui nhưng có ống hút cắm trong chai và 3 chai sữa đậu nành bị vón cục, có màu vàng.
Bức xúc do bị mất uy tín, bà Hà liên tục gọi điện cho trung tâm chăm sóc khách hàng của Tân Hiệp Phát đòi giải thích. Nhưng sau khi nhận điện thoại từ “khổ chủ”, hơn nửa tháng sau, phía công ty mới đến gặp để giải quyết.
Từ khi quán bà Hà xuất hiện những chai nước “lạ” và tin đồn sản xuất nước uống giả khiến quán vắng khách, đi tới đóng cửa và phá sản. Bà Hà buộc phải ngừng kinh doanh.
Năm 2011, bà Hà làm đơn gửi lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai; cuối năm 2011 Hội có mời bà cùng đại diện công ty Tân Hiệp Phát lên làm việc.
Trong biên bản, Giám đốc marketing của công ty Tân Hiệp Phát là ông Nguyễn A xác định: “Chai sữa đậu nành và chai nước tăng lực Number 1 mà bà Hà khiếu nại là các sản phẩm mang thương hiệu của công ty, còn nguyên chưa khui. Tuy nhiên chưa xác định được đây có thật là sản phẩm của công ty hay không…công ty cảm ơn sự thông báo của khách hàng về các sản phẩm bị lỗi, xin thu hồi sản phẩm và hỗ trợ cho người tiêu dùng 5 thùng trà xanh. Trong trường hợp bà Hà yêu cầu bồi thường thiệt hại mất thu nhập thì cần có cơ sở chứng minh việc mất thu nhập đó”.
Sau việc thương lượng không thành, bà Hà yêu cầu được hỗ trợ vì quán phải đóng cửa, số tiền 49 triệu đồng (giá 7 tháng tiền mặt bằng chưa đóng) và công ty Tân Hiệp Phát đã đồng ý hỗ trợ (có văn bản thỏa thuận).
Đến 16/12/2011, ông Phạm Long M. – đại diện công ty Tân Hiệp Phát – hẹn bà Hà đến quán cà phê Gia Bảo đối diện Công an P. Trảng Dài để giao 49 triệu và lấy lại 5 chai nước về. Khi chuẩn bị nhận tiền, bà Hà có ghi cho M. một hóa đơn cụ thể, thông báo đã nhận tiền và gửi lại 5 sản phẩm lỗi cho phía công ty. Tuy nhiên, khi bà Hà nhận tiền từ ông M, cất vào túi thì một nhóm người ập vào tự giới thiệu là CA TP. Biên Hòa tới còng tay bà và tịch thu 5 chai nước.
Bà Hà yêu cầu lực lượng chức năng phải lập biên bản tịch thu tài sản của bà. Sau đó bà được đưa về trụ sở Công an TP. Biên Hòa. Nhưng may mắn bà Hà kịp thời xuất trình được các giấy tờ thỏa thuận với công ty Tân Hiệp Phát nên được thả ra ngay trong ngày.
Đến ngày 21/6/2013, thông báo của Công an TP. Biên Hòa gửi cho bà Hà nhận định: “Qua điều tra xác minh xét thấy việc bà Hà nhận 49 triệu đồng của công ty Tân Hiệp Phát là có sự đồng ý của công ty này nên hành vi trên của bà Hà là không vi phạm pháp luật hình sự. Căn cứ vào khoản 2, điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự ngày 10/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP. Biên Hòa đã ra quyết định không khởi tố vụ án…”
Cũng trong thông báo từ Công an TP. Biên Hòa gửi cho bà Hà vào ngày 2/11/2011, công ty Tân Hiệp Phát đã làm đơn gửi phòng CSĐT TP về TTXH Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo bà Hà có hành vi đe dọa, tống tiền của công ty Tân Hiệp Phát là 49 triệu đồng.
Ngày 16/12/2011, Phòng CSĐT TP về TTXH Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, Công an TP. Biên Hòa phối hợp bắt quả tang bà Hà có hành vi nhận 49 triệu đồng của anh Phạm Long M là đại diện của công ty Tân Hiệp Phát giao tại quán cà phê Gia Bảo, thuộc KP2, P. Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Bà Hà được đưa về trụ sở công an để làm việc và đến 17h 30p cùng ngày thì được cho về.
Sau lần bị “bắt hụt”, bà Hà cảm thấy phẫn nộ về cách hành xử của Tân Hiệp Phát đối với khách hàng.
Bà này nói: “Tôi chỉ kêu họ hỗ trợ cho tôi một phần thiệt hại nhỏ, tuy nhiên họ lại gài bẫy để bắt tôi. May mắn tôi có giấy tờ đầy đủ chứ không giờ chắc cũng đang ở tù.
Vì vậy, tôi sẽ làm đơn khởi kiện ra TAND TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương yêu cầu công ty Tân Hiệp Phát bồi thường chi phí đi lại trong thời gian yêu cầu công ty giải quyết, số tiền 40 triệu; Bồi thường doanh thu giảm sút dẫn đến đóng cửa quán (18 tháng mất doanh thu) x 20 triệu, tổng cộng 360 triệu đồng; Bồi thường uy tín, danh dự vì bị vu khống, còng tay ngay giữa chốn đông người, suy sụp tinh thần nghiêm trọng số tiền 50 triệu đồng. Tổng các khoản bồi thường là 450 triệu đồng….
Sau nhiều lần hòa giải mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết. Nay thấy vụ anh Minh, tôi sẽ quyết tâm làm tới cùng, yêu cầu khởi tố hình sự hành vi “làm nhục người khác”….khiến danh dự của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tâm lý bất an”.
Cũng theo bà Hà, sau vụ con ruồi nửa tỷ cùng mức án 7 năm dành cho anh Minh, mọi người càng thất vọng về cách hành xử của Tân Hiệp Phát đối với khách hàng. Bà Hà cho biết vừa làm đơn, tiếp tục theo vụ kiện Tân Hiệp Phát đến cùng, nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Có thể yêu cầu khởi tố hình sự tội vu khống
Trong vụ việc này có một chi tiết rất đáng chú ý: Công an TP. Biên Hòa gửi cho chị Hà vào ngày 2/11/2011, có nêu ra Công ty Tân Hiệp Phát đã làm đơn gửi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an tỉnh Đồng Nai, tố cáo chị Hà có hành vi đe dọa, tống tiền của Tân Hiệp Phát là 49 triệu đồng.
Hành vi đe dọa tống tiền tức uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này được hiểu, chị Hà buộc Công ty Tân Hiệp Phát giao một số tiền để đổi lấy sự im lặng, và đe dọa nếu không giao tiền thì sẽ làm cho uy tín bị thiệt hại. Nếu đúng như vậy thì hành vi của chị Hà vi phạm pháp luật hình sự tội cưỡng đoạt tài sản qui định tại Điều 135 BLHS (tội mà anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang bị truy tố).
Nhưng trong khi, trước đó chị Hà đã gửi đơn lên Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai và hội này đã mời hai bên đến hòa giải. Sau đó hai bên tự hòa giải và lập văn bản thỏa thuận hỗ trợ. Việc hai bên tự chủ động hòa giải để thỏa thuận là hình thức giải quyết được luật pháp khuyến khích trong mọi tranh chấp. Nên cho rằng chị Hà đe dọa tống tiền là hoàn toàn bịa đặt.
Việc bịa đặt một người phạm tội (đe dọa tống tiền) rồi tố cáo họ với cơ quan có thẩm quyền (Công an tỉnh Đồng Nai) là hành vi vu khống, được Bộ luật hình sự điều chỉnh tại Điều 122 Tội vu khống “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Ngay khi Tân Hiệp Phát gửi đơn đến cơ quan công an là họ đã có dấu hiệu phạm tội vu khống. Hậu quả của hành vi vu khống là làm cho cơ quan công an lầm tưởng chị Hà phạm tội và tổ chức bắt giữ, lập biên bản quả tang. Điều này gây tổn thất tinh thần không nhỏ đối với chị Hà.
Vì luật hình sự nước ta không xử lý hình sự pháp nhân nên chị Hà có thể yêu cầu khởi tố người đứng đầu và người ký đơn tố cáo của Công ty Tân Hiệp Phát tội vu khống qui định tại Điều 122 BLHS.
Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL TP Hồ Chí Minh – TW Hội Luật gia Việt Nam)
Nguồn: Theo Vietnamnet
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.