Tương tự như con người, nhiều loài động vật cũng biết tìm thuốc để tự chữa bệnh cho chúng, chẳng hạn như các rối loạn tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng, … hay thậm chí để giảm đau đẻ.
Hiện tượng động vật tự chữa bệnh (zoopharmacognosy) đã được ghi nhận ở loài vẹt đuôi dài tại Brazil, voi ở Kenya và cả chó, mèo ở Anh, Mỹ. Một nhà khoa học thậm chí đã tạo dựng quy trình giúp các nhà nghiên cứu xác định xem liệu một động vật nào đó đang tự chữa bệnh cho mình hay đơn giản chỉ là đói.
Năm 1996, nhà sinh vật học Michael Huffman đã đề ra một quá trình 4 bước để xác định liệu các cây cối hoặc khoáng chất mà các động vật ăn có phải là một dạng thuốc “tự kê dùng” đối với chúng hay không. Theo ông, nếu các thành phần này không nằm trong chế độ ăn thường xuyên của động vật, nếu chúng mang lại ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng đối với loài động vật đó, nếu chúng chủ được ăn vào các thời điểm nhất định trong năm, khi ký sinh trùng hoành hành và nếu các cá thể cùng loài trong đàn/nhóm động vật đó không được phát hiện ăn chúng vào cùng thời điểm, thì những cây cối hoặc khoáng chất này đang được động vật sử dụng như thuốc, không phải thức ăn.
Chuyên gia Joel Shurkin viết trên tạp chí PNAS: “Khoa học về sự tự chữa bệnh của con người được đặt tên từ việc ghép các gốc zoo (động vật), pharma (thuốc) và gnosy (sự hiểu biết). Hiện chúng ta vẫn chưa rõ mức độ hiểu biết hoặc học hỏi có liên quan, nhưng nhiều động vật dường như đã tiến hóa để có khả năng thiên bẩm phát hiện được các thành phần dược liệu trong cây cỏ. Mặc dù bằng chứng cho điều này hoàn toàn mang tính suy diễn, nhưng chúng ta có trong tay rất nhiều ví dụ. Hiện tượng tự chữa bệnh dường như phổ biến khắp vương quốc động vật đôi khi theo những cách rất đáng kinh ngạc”.
Chó được phát hiện ăn cỏ để chữa chứng đau bụng, trong khi vượn cáo ăn vỏ cây và trái me để tăng tiết sữa nuôi con.
Chẳng hạn như, bất chấp thực tế là việc ăn cỏ khiến chúng phát bệnh, các con chó, mèo nhà hoặc chó, mèo hoang trên khắp thế giới vẫn chủ động tìm kiếm loại thực vật này. Người ta cho rằng, đây là một cách giúp chúng giảm đau bụng và thoát khỏi thứ gì đó đang gây khó chịu trong đường ruột.
“Chó không có phương tiện để tiêu hóa cỏ, do chúng thiếu các enzym thiết yếu để phá hủy chất xơ. Do đó, cỏ chẳng có mấy giá trị dinh dưỡng đối với chúng. Một lí do cho việc chó ăn cỏ có thể do cảm giác buồn nôn. Có lẽ, những con chó biết được rằng, đây là giải pháp tạm thời cho sự khó chịu dạ dày”, tiến sĩ Michael Goldberg, một bác sĩ thú ý ở Vancouver, Canada giải thích.
Theo ông Goldberg, các cuộc kiểm tra đối với những con chó có biểu hiện ăn cỏ sau đó hé lộ chúng mắc các chứng viêm trong bụng, chẳng hạn như trào ngược dạ dày hay bệnh đường ruột.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát được những con tin tinh nuốt lá của tới 35 cây Aspilia trong một nỗ lực được cho là nhằm loại bỏ ký sinh trùng. Lá cây Aspilia chứa một hóa chất có tên gọi là thiarubrine-A, có khả năng tiêu diệt một số ký sinh trùng nhất định trong đường ruột.
Tương tự như đối với loài chó, các con tinh tinh cũng được ghi nhận ăn một số loại cây bụt nhất định để khiến chúng phát ốm. Độ nhám của những loại thực vật này có thể đóng vai trò như “giấy ráp” đánh bay các ký sinh trùng trong đường tiêu hóa của chúng.
Các chuyên gia còn quan sát được những con vẹt đuôi dài đỏ và xanh ăn cao lanh (đất sét trắng để làm đồ gốm, sứ) để giải quyết những vấn đề tiêu hóa. Hành động này được coi là một chiến lược “khử độc”.
Ví dụ, chế độ ăn của vẹt đuôi dài vùng Amazon chủ yếu gồm các hạt, nên chúng có thể ngốn ngấu cả các quả nhỏ hoặc những thứ độc hại khác giống hạt. Nhà động vật học Charles Munn tin rằng, nhiều con vẹt đuôi dài liếm đất sét dưới đáy sông để có được các khoáng chất khử độc và chống lại các hợp chất tannin cũng như alkaloid vị đắng, tồn tại trong nhiều loại hạt này.
Đất sét từng được phát hiện có khả năng hấp thu vi khuẩn và làm dịu chứng tiêu chảy ở heo vòi, voi rừng và khỉ đột sống trên núi.
Trong một nghiên cứu công bố hồi đầu năm nay, chuyên gia Holly Dublin đã dành một 1 năm quan sát một đàn voi ở Kenya. Bà nhận thấy, một con voi chửa to đã ngốn ngấu toàn bộ cây boraginaceae, thứ không nằm trong chế độ ăn thường xuyên của nó, trước khi quay trở lại với thói quen ăn uống bình thường. 4 ngày sau bữa ăn bất thường, con voi đã sinh nở.
Về sau, chuyên gia Dublin biết rằng, cây boraginaceae đã được phụ nữ trong vòng sử dụng để thúc đẻ. Bà tin, con voi đã ăn cây này để có tác dụng tương tự.
Trong khi đó, các con vượn cáo mang thai được phát hiện ăn vỏ và trái me để tăng tiết sữa, cũng như tăng cơ hội sinh nở thành công. Chúng cũng cho con của mình ăn vỏ cây để giúp tiêu diệt ký sinh trùng.
Tham khảo: Daily Mail.
Theo Vietnamnet, Daily Mail