“Sự tuyệt chủng: không chỉ riêng những con gấu Bắc cực” – đó là bài báo mới được công bố của Trung tâm Đa dạng sinh học (CBD, Mỹ) và Tổ chức Chăm sóc động vật hoang dã quốc tế (CWI, Vương quốc Anh) nhằm cảnh báo 17 loài động vật Bắc cực có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do biến đổi khí hậu.
>>> Hàng vạn con hải mã xếp hàng trên bờ biển Alaska
Các nghiên cứu cho thấy bắt đầu từ năm 2007, băng biển Bắc cực tan chảy với tốc độ nhanh chóng và các nhà khoa học dự đoán Bắc cực sẽ không còn băng trong mùa hè vào năm 2030.
Shaye Wolf – tác giả chính của bài báo, nhà nghiên cứu khoa học về khí hậu thuộc CBD – nói: “Gấu Bắc cực là nạn nhân nổi tiếng của sự tan chảy băng nhanh chóng ở Bắc cực. Nhưng các loài động vật khác sống tại Bắc cực cũng chịu chung số phận tương tự, từ sinh vật phù du cho tới loài cá voi to lớn”.
Vịt nhung đeo kính Somateria fischeri – 1 trong 17 loài động vật Bắc cực – bị đe dọa nhất do biến đổi khí hậu (Ảnh: CNN)
“Tác động của biến đổi khí hậu sẽ đe dọa tới hệ sinh thái Bắc cực nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Nếu chúng ta không có mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, sẽ có nhiều sinh vật Bắc cực hơn nữa nằm bên bờ tuyệt chủng” – cô Wolf cho biết.
Danh sách 17 loài động vật Bắc cực có nguy cơ tuyệt chủng nhất do biến đổi khí hậu: Cáo Bắc cực, gấu Bắc cực, hải mã Thái Bình Dương, 4 loài hải cẩu (hải cẩu vòng, hải cẩu râu, hải cẩu lông trắng và hải cẩu lông vằn), 4 loài cá voi (cá voi xám, cá voi trắng, cá voi đầu cong và kỳ lân biển), 3 loài chim biển (loài Brachyramphus brevirostris, vịt nhung đeo kính và mòng biển ngà), tuần lộc, bò xạ và bướm biển – động vật thân mềm thuộc nhóm động vật chân cánh (Pteropod). |
Theo CNN, Telegraph, Tuổi trẻ