Đột phá công nghệ “lọc ánh sáng” lấy cảm hứng từ những cánh bướm

Dựa vào cấu tạo của những cánh bướm mềm mại, các nhà khoa học đã phát hiện ra công nghệ mới liên quan tới kỹ thuật “lọc ánh sáng” có thể sẽ đóng vai trò chính trong các dự án năng lượng mặt trời trong tương lai và nhiều lĩnh vực khác.

Khi nghiên cứu cấu tạo cánh của loài bướm Peru quý hiếm Morpho Didius, các nhà khoa học phát hiện ra các cấu trúc siêu nhỏ giúp phân bố ánh sáng trên cánh của loài bướm này để tạo ra những sắc xanh vui mắt khi bay trong ánh nắng mặt trời.


Loài bướm Morpho Didius quý hiếm.

Từ đó, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Quốc gia Australia đã liên hệ tới việc chế tạo ra những cấu trúc siêu nhỏ để phục vụ cho việc kiểm soát hướng đi của ánh sáng trong các thí nghiệm thuộc lĩnh vực năng lượng mặt trời và kiến trúc.

Nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả rất bất ngờ về khả năng điều khiển hướng đi của các ánh sáng có màu sắc khác nhau mà các cấu trúc siêu nhỏ hình nón do họ tạo ra có thể làm được.

Tác giả của nghiên cứu tin tưởng kỹ thuật kiểm soát ánh sáng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như năng lượng mặt trời, kiến trúc và kỹ thuật tàng hình.

Đặc biệt, các kỹ thuật kiểm soát sự phân bổ, mức độ phản quang và thẩm thấu các ánh sáng có màu sắc khác nhau sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong nghiên cứu chế tạo pin mặt trời hiệu suất cực cao và giúp con người điều khiển được hướng đi của ánh sáng theo mong muốn.

Trong kiến trúc, kỹ thuật này có thể giúp tạo ra các loại cửa sổ có thể lọc ánh sáng và chế tạo ra các vật thể tàng hình với một số màu sắc cụ thể.

 

Theo Báo Tin Tức