Dùng đất để giảm phát thải khí nhà kính

Đất có một đặc tính quan trọng ít được chú ý: Khả năng cô lập carbon, giảm phát thải khí nhà kính. Các nhà khoa học đang nghiên cứu lợi ích này để tìm giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Trong không khí hiện có khoảng 830 tỷ tấn carbon. Mỗi năm, con người thải thêm khoảng 10 tỷ tấn. Đất có thể chứa 4.800 tỷ tấn, gấp 6 lần không khí.

Đất có khả năng cô lập carbon, làm giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh: Organicconsumers).

Ônh Johannes Lehmann thuộc Đại học Cornell – đồng tác giả nghiên cứu – cho biết: “Chúng ta có thể làm giảm đáng kể lượng carbon trong khí quyển bằng cách sử dụng đất, sử dụng công nghệ quản lý đất để giảm khí nhà kính”.

Điều quan trọng là phải tăng cường chu trình nitơ trong đất, đảm bảo nitơ – yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng thực vật – được cân bằng. Điều này không chỉ giúp đất tăng khả năng cô lập carbon, giảm hiệu ứng nhà kính mà còn tăng độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm nước và xói mòn, bảo vệ cây trồng khỏi các tác động của biến đổi khí hậu.

Các hoạt động cụ thể để quản lý đất là: Giữ gìn đất bằng cách duy trì rừng hoặc đồng cỏ, giảm đất canh tác, tăng cường chăn thả gia súc, áp dụng than sinh học, trồng cây che phủ và thảm thực vật cho vùng đất sản xuất cằn cỗi.

Để phát huy tác dụng kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, việc quản lý đất đai đòi hỏi sự kết hợp kiến thức trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

 

Theo khoahocphattrien