“Bác sợ tết lắm vì thằng Tùng cứ lặp đi lặp lại chuyện say rượu. Mùng 1, đầu năm đầu tháng mà gia đình phải mời bác sĩ về nhà truyền nước biển cho nó. Tùng bị yếu dạ dày. Mùng 1 nó đi chúc tết, mỗi nhà uống một ly, đến cuối ngày là nằm luôn”, mẹ Tùng ở H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai than thở.
Đã ba cái tết trôi qua kể từ ngày bị tai nạn giao thông nhưng Đức Hùng, quê ở H.Đại Lộc, Quảng Nam vẫn không bao giờ quên được “cái tết kinh khủng”, như lời anh. Ở quê Hùng, đến mùng 4, mùng 5 tết thường có truyền thống họp lớp. Sẽ thật tốt đẹp nếu những buổi họp lớp không có sự khích nhau uống để xem “đô” đứa nào cao hơn.
Tết năm 2012, sau khi họp lớp xong đã 22 giờ, vốn có men trong người, Hùng chạy xe tốc độ cao. Đường quê vắng, qua một khúc quanh, Hùng tự đâm xe vào trụ điện dẫn đến nứt sọ, gãy chân và bị nhiều chấn thương khác. Tai nạn khiến gia đình Hùng tốn hơn 100 triệu đồng chạy chữa, bản thân Hùng sau đó đi lại rất yếu. “Đó là một cái tết đầy ác mộng đối với mình và gia đình. Giá như mình biết kiềm chế bản thân, không “quá chén” thì gia đình không phải vướng nợ nần, mình không phải mang thương tật như bây giờ”, Đức Hùng hối hận.
Còn Nguyễn Thị Thùy, nhà ở TT.Thủ Thừa, H.Thủ Thừa, Long An, cứ ân hận mãi khi cho bạn nam mượn xe vào đêm giao thừa. Thùy kể: “Đêm đó, tụi mình họp mặt để đón giao thừa. Các bạn nam đều uống bia. Gần đến giao thừa, H. mượn xe của mình để đi. Bạn bè ngăn không cho vì H. đã say nhưng thấy H. năn nỉ quá mình đưa chìa khóa. Và thế là H. đã đi mãi mãi… Cái chết của H. có phần lỗi của mình, khiến mình cứ day dứt không thôi”.
Tết ngoài sum họp gia đình, gặp gỡ, thăm hỏi người thân, bạn bè còn là dịp nghỉ ngơi, xả stress, lấy lại tinh thần để thực hiện công việc, kế hoạch cho năm mới. Thế nhưng, việc vui quá trớn, cộng với thức khuya đã tàn phá sức khỏe của không ít bạn trẻ. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho lời khuyên: “Luôn dành sức cho mình trong những cuộc vui hay đảm bảo sự kiểm soát bản thân khi lưu thông, vui chơi xong. Không được nổi nóng hoặc để bị khích tướng bởi bạn bè hay người khác vì điều ấy sẽ rất nguy hại. Đừng quên rằng tương lai mình cần lắm sự an toàn, sức khỏe, sự bình yên về tâm hồn…”.
Còn bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, chia sẻ: “Bạn trẻ nên cố gắng ăn uống điều độ, đúng bữa, ăn đủ chất dinh dưỡng. Không nên ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh mứt, nước ngọt và lạm dụng bia rượu. Với các bạn trẻ có vấn đề tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp… càng cần phải tuân thủ chế độ ăn uống kiêng kem theo lệnh của bác sĩ. Nếu ăn uống không cẩn thận rất dễ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc”.
Hãy luôn kiểm soát, tiết chế bản thân để có một cái tết nhiều ý nghĩa, đáng nhớ trong cuộc đời. Đừng biến tết trở thành những ngày ác mộng!
Nhiều bạn trẻ đã chọn cách ăn tết theo cách riêng như: Phượt từ tỉnh này sang tỉnh khác để tận hưởng không khí tết ở các vùng miền, ra nước ngoài du lịch, ở nhà “luyện” phim, sách yêu thích; làm thêm để có thu nhập gấp 2, 3 lần ngày thường, sau đó sẽ… ăn tết muộn. Nhiều nhóm bạn cùng nhau vào các nhà mở, các trung tâm từ thiện để vui tết cùng trẻ em, người già neo đơn…
Nguồn: Theo Thanh niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.