Chỉ cần gõ 4 từ “màng bọc thực phẩm” vào tính năng tìm kiếm của Google, trong 0.41 giây đã xuất hiện khoảng 337.000 kết quả.
Điều đó phần nào tiết lộ mức độ phổ biến của sản phẩm này tại Việt Nam. Sự phổ biến của nó còn được ghi nhận ở mức độ xuất hiện dày đặc trong các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hay trong các khu chợ.
Thậm chí, các siêu thị lớn cũng bắt đầu sản xuất loại màng bọc riêng của mình. Chị Q.L, phụ trách gian hàng tại một siêu thị lớn ở Hà Nội khẳng định: “Màng bọc thực phẩm là một trong những sản phẩm bán chạy tại đây.
Tùy vào nơi sản xuất và độ dày mỏng, màng bọc thực phẩm có giá dao động từ khoảng 10.000 đến cả trăm nghìn đồng.
Không chỉ các bà nội trợ mới mua về dùng mà cả những nhà hàng bán hàng ăn, hoa quả cũng mua để bọc sản phẩm của mình. Ngay cả ở siêu thị của chúng tôi, màng bọc cũng được sử dụng rất phổ biến”.
Thực tế cho thấy, với khả năng bảo quản thực phẩm sạch sẽ, tiện dụng, màng bọc thực phẩm đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình.
Mặc dù lợi ích của những tấm màng bọc đều được chị em ghi nhận, song không ít người băn khoăn về tính an toàn của nó.
Chị Hoàng Thị Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội), một người thường xuyên sử dụng các loại màng bọc này chia sẻ: “Ngày trước, nhà tôi thường xuyên dùng màng bọc để cất giữ thức ăn thừa trong tủ lạnh hay làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghe nhiều người nói sử dụng chúng rất có hại cho sức khỏe, thậm chí còn gây cả ung thư. Chả biết thực hư thế nào, nên tôi cũng lo lắng và ít dùng hơn hẳn”.
Rõ ràng, đây không chỉ là băn khoăn của riêng chị Quỳnh mà hầu hết các bà nội trợ đều thắc mắc như vậy.
Chị Huỳnh Huyền Trang (TP. Hồ Chí Minh) trao đổi trên một diễn đàn: “Mình thường xuyên dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản thức ăn cho con nhỏ, giờ đọc thông tin thấy bảo nó có hại. Không dùng nữa thì thấy bất tiện vô cùng, nhưng cứ nhắm mắt làm liều thì chết lúc nào chẳng biết.
Ai biết sản phẩm nào có công dụng tương tự mà an toàn, hoặc cách hạn chế tối đa mức độ độc hại của màng bọc thì chia sẻ cho mình với”.
Nên sử dụng màng PE
Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Đình Hải (Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Công nghiệp T.P Hồ Chí Minh) khẳng định: Hiện nay, mang bọc thực phẩm được làm từ 2 nguyên liệu chính là PVC và PE.
Với màng PVC, nếu sử dụng không đúng cách, chẳng hạn như là sử dụng ở nhiệt độ cao (bọc thức ăn nóng, cho vào lò vi sóng quay) nó sẽ giải phóng chất clo hoặc các phụ gia ở trong PVC.
Dùng lâu ngày có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe con người như rối loạn nội tiết, suy tim, gan, thận, thậm chí là ung thư. Trong khi đó, màng PE an toàn hơn vì nó chứa ít chất phụ gia gây hại hơn.
Chính vì vậy, để an toàn cho sức khỏe, cách tốt nhất là nên sử dụng màng PE để bảo quản thực phẩm.
Trong trường hợp không mua được màng PE, chúng ta chỉ nên sử dụng màng PVC để bọc thức ăn ở nhiệt độ thấp, trong thời gian ngắn bởi vì bản thân màng PVC có thời gian phân hủy và khi phân hủy, nó sẽ giải phóng ra chất clo.
Clo khi kết hợp với chất hữu cơ sẽ tạo ra hợp chất không mong muốn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lựa chọn màng PE thay cho PVC chưa chắc đã đảm bảo an toàn nếu như người sử dụng không dùng đúng cách.
Theo đó, để không phải đối mặt với các tác dụng phụ, khi hâm nóng đồ ăn, bạn cần bỏ màng bọc ra, dù là màng bọc loại nào.
Đối với thực phẩm có tính kiềm hoặc axit như dưa muối, salat hay thực phẩm nhiều dầu mỡ, không sử dụng màng bọc bọc trực tiếp sản phẩm mà nên cách thức ăn khoảng 2,5cm.
Bản thân màng bọc khi chưa dùng đến cũng cần bảo quản ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào vì nhiệt độ có thể làm thôi nhiễm các độc tố.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng nhất khi sử dụng màng bọc là cần mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ của nhà sản xuất và đã được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn.
Muốn như vậy, bạn nên mua màng bọc tại các siêu thị, cửa hàng lớn, tránh mua tại các chợ cóc hay hàng bán rong…
Cách nhận biết màng PE và PVC
Màng PE: Màu trắng, trong suốt, ít dính tay, dai, dễ bóc tách. Dễ cháy, lửa đều màu, không tắt, không có mùi hôi.
Màng PVC: Màu vàng ngà, trong suốt, hay dính tay, khó bóc tách. Khó cháy, chỉ cháy khi có lửa đốt, mùi hôi.
Nguồn: Theo Sức khỏe gia đình
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.