Dùng mỡ thực vật để cứu gót chân siêu nứt nẻ

Gót chân nứt nẻ không phải là tình trạng của riêng làn da mùa đông, mà xảy ra thường xuyên trong mọi thời tiết. Thậm chí, dù bạn đã áp dụng nhiều công thức kem dưỡng từ dầu dừa hay dầu olive, thì làn da nứt nẻ ở gót chân vẫn không được cải thiện là bao. Để giải quyết triệt để tình trạng này, bạn phải nghiên cứu kỹ nguyên nhân tại sao gây ra phần da dễ thương tổn này, và làm sao để cung cấp đúng loại “thức ăn” mà da cần.
Vì sao da gót chân hay bị nứt?
Tình trạng da gót chân nứt nẻ là hiện tượng khi lớp da khô, thiếu sức sống quanh phần gót chân và bàn chân phản ứng với áp lực từ trọng lượng của cơ thể, thông qua các hoạt động kéo dài như đi lại nhiều hoặc đứng quá lâu, và vùng da khô đó sẽ bị tách ra. Mọi người thường nghĩ rằng chỉ có những người uống ít nước, hoặc do thời tiết quá khô của mùa đông, quá nóng của mùa hè gây ra tình trang nứt gót chân, nhưng thực ra, nếu bạn tăng cân đột ngột (ví dụ như khi mang thai), hoặc da mất độ đàn hồi vì tuổi tác cũng có thể gây nứt gót chân. 
(Ảnh: foothealthclinic).
Thông thường, nếu thấy gót chân bị nứt nẻ, bạn sẽ thoa thêm nhiều kem dưỡng ẩm vào để mong phục hồi được gót chân hồng hào, mềm mại như ý, nhưng tại sao gót chân lại không lành lại ngay?
Nguyên nhân là do lớp ngoài cùng của vùng da gót chân vốn có chứa nhiều amino acid có khả năng hoạt động giúp tăng cường khả năng hấp thụ và khóa độ ẩm vào trong da. Nếu như lượng amino acid này mất đi, thì dù bạn có cung cấp thêm bao nhiêu độ ẩm vào da, da vẫn không giữ được độ ẩm lưu lại lâu, giống như cố đổ đầy nước vào một chiếc cốc bị nứt ở đáy vậy. Vì vậy, chìa khóa của việc dưỡng ẩm, phục hồi cho gót chân là phải phục hồi được chức năng của lớp khóa ẩm trên da.
Tại sao các loại kem dưỡng thông thường không có tác dụng?
Các loại kem dưỡng thông thường sẽ có thành phần dưỡng ẩm tương đồng với chất bã nhờn tự nhiên của làn da, ví dụ như dầu dừa hoặc dầu olive, để làm cân bằng da và không gây bít tắc lỗ chân lông. Nhưng công thức này không đủ tác dụng với vùng da gót chân nứt nẻ nặng, vì da chân đã mất đi khả năng giữ độ ẩm, nên các lớp dưỡng của kem dưỡng thông thường chỉ có thể tác dụng tạm thời lên bên ngoài bề mặt da, mà không tác động được sâu vào bên trong. Nói cách khác, sau khi kem và dầu trôi đi, da chân sẽ lại quay về tình trạng nứt nẻ ban đầu. 
Với vùng gót chân nứt nẻ, bạn phải tác động cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Ngoài việc bảo vệ da khỏi bị tác động từ nhiệt độ hay bụi bẩn bên ngoài, bạn phải tìm cách kích thích cho tuyến dầu dưới da hoạt động mạnh hơn, để da tự phục hồi chức năng khóa và giữ độ ẩm. Đây là cơ chế dưỡng không thích hợp với các vùng da khác trên cơ thể (vì có thể gây bít tắc lỗ chân lông, sinh mụn) nhưng lại là cần thiết đối với vùng da gót chân đang bị hư tổn.
Công thức làm kem siêu dưỡng gót chân nứt nẻ
– 1 chén mỡ thực vật
– 2 thìa gel lô hội
– 5-6 giọt tinh dầu cây trà
Bạn chỉ cần trộn đều các thành phần nói trên thành một hỗn hợp nhuyễn mịn đồng nhất, bảo quản trong lọ thủy tinh sạch, đậy nắp kín. Mỗi sáng và tối, hãy thoa một lượng kem lớn đều vào vùng da chân nứt nẻ rồi đi tất vào chân để giữ cho kem thấm sâu và không làm bạn cảm thấy trơn khi đi giày dép. Để tăng thêm hiệu quả, bạn có thể thoa kem ngay sau khi tắm hoặc sau khi ngâm chân với nước ấm. 
(Ảnh: domesticgeekgirl).
Mỡ thực vật (vegetable shortening) thường được bán tại các cửa hàng nguyên liệu làm bánh hoặc siêu thị thực phẩm cho người nước ngoài. Mỡ thực vật được làm từ dầu đậu nành và dầu hạt bông cô đặc. Đây vốn là thành phần không thích hợp để dưỡng bất kỳ vùng da nào khác như da mặt, cánh tay, cẳng chân v.v… vì có thể kích thích tiết dầu, gây bít tắc lỗ chân lông. Công thức này chỉ được sử dụng duy nhất cho lòng bàn chân và lòng bàn tay mà thôi. Công dụng của mỡ thực vật là giúp tạo một lớp màng bảo vệ nhân tạo thay cho lớp màng tự nhiên mà bã nhờn tiết ra trên da, giúp phục hồi khả năng giữ ẩm của da. Không giống như các loại dầu thực vật khác, mỡ thực vật không giúp cung cấp bất kỳ dinh dưỡng nào cho da. Mỡ thực vật chỉ có khả năng duy nhất là tạo lớp màng chống thoát ẩm cho da một cách triệt để, có thể coi là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bạn cũng cần lưu ý rằng mỡ thực vật không được coi là nguyên liệu thiên nhiên, mà là kết quả của quá trình cô đặc dầu thực vật sử dụng phụ gia hóa học. Đó là lý do công thức kem dưỡng chứa mỡ thực vật chỉ nên dùng cho vùng da dày, ít bị kích ứng như gót chân.
Để bù trừ cho sự thiếu chất của mỡ thực vật, ta mới phải bổ sung thêm gel lô hội vào công thức này. Lô hội chứa hơn 75 chất dinh dưỡng khác nhau, gồm các vitamin, khoáng chất, enzyme, đườn, các amino acid và acid salicylic. Gel lô hội còn chứa rất nhiều các chất chống oxy hóa như beta carotene, vitamin C và E, giúp cải thiện bề mặt da và hỗ trợ quá trình dưỡng ẩm cho da. 
(Ảnh: top10homeremedies).
Cuối cùng, vài giọt tinh dầu cây trà (tea tree oil, không nhầm với tinh dầu trà xanh), giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho da gót chân và chống nấm chân, khử mùi hôi chân, giúp bạn có cảm giác sảng khoái, tự tin, và da chân nhanh chóng được phục hồi về tình trạng tốt nhất.
Để có hiệu quả tốt nhất, hãy kết hợp công thức kem dưỡng hàng ngày này với một buổi ngâm chân nước nóng mỗi tuần và tẩy tế bào chết cho gót chân 2 lần mỗi tuần. Bạn sẽ nhanh chóng phục hồi đôi bàn chân nứt nẻ, thậm chí chảy máu, trở về trạng thái mềm mượt, hồng hào như chân em bé.
Eve Nguyễn(Tổng hợp)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.