Toà án có được quyền từ chối yêu cầu giải quyết tranh chấp của người dân khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh? Nếu không, toà phải căn cứ vào đâu để xử án? – Câu hỏi này một lần nữa hâm nóng phiên thảo luận của Quốc hội về Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi hôm nay (26/10).
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (ảnh tư liệu).
Thảo luận về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự chiều 26/10, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) – Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh lo lắng về nguyên tắc áp dụng lẽ công bằng khi xử án dân sự.
Ông Ngũ phân tích, nơi nào luật bị áp dụng tùy tiện thì lợi ích của xã hội dễ bị xâm hại. Bình thường, người dân có niềm tin với quan toà, nhưng đứng trước những vụ việc khi lợi ích mà các bên tham gia tranh chấp lên tới hàng trăm tỷ chẳng hạn, thì chính thẩm phán cũng phải đứng trước thử thách về lẽ công bằng.
Ông Ngũ đề nghị tính toán lại quy định về thù lao, về án phí và sự tác động, chi phối của nó tới quyết định của những người tham gia tố tụng khi luật sư tham gia trợ giúp pháp lý có thể thu về tiền tỷ, thẩm phán cũng có thể nhận về cả trăm triệu.
Không đồng tình với ông Ngũ, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) – Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết, nói tới tập quán là nói tới những quy định không có phổ quát.
Theo ông Nghĩa, lẽ công bằng có trước pháp luật, và nhà nước chỉ làm công việc đúc kết, luật hóa những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Quá trình đúc kết sai thì kết quả việc ra luật sẽ trái tự nhiên, cuộc sống sẽ phản ứng lại. Lẽ công bằng vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống, người dân vẫn phải nương theo đó để tổ chức cuộc sống, hòa giải với nhau.
Như vậy, trong trường hợp luật pháp không theo kịp cuộc sống thì cần tìm giải pháp để đảm bảo lẽ công bằng tối ưu, làm vậy, việc hòa giải mới có tính thuyết phục cao.
Lẽ công bằng, theo ông Nghĩa, có nhiều cấp độ, việc vận dụng của tòa án là trên cơ sở từng vụ việc, từng vùng miền cụ thể và trên cơ sở sự chấp nhận thoả đáng của đương sự.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Áp dụng lẽ công bằng nhưng không được vi Hiến, trái với chức năng nhiệm vụ của tòa án, quá trình xét xử vẫn phải có đầy đủ các bước sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm chứ không phải, áp dụng lẽ công bằng là có thể ra phán quyết mông lung, không vào đâu cả. Pháp luật dân sự có một nguyên tắc cơ bản là dựa trên sự nguyện, bình đẳng, không được lừa dối, đe dọa, ép buộc của các bên”.
Ông Nghĩa nêu quan điểm tán thành quy định như dự thảo đưa ra về việc áp dụng lẽ công bằng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Ngay lập tức, ông Hồ Trọng Ngũ “phản pháo”: “Không phải muốn thế nào cũng được, muốn thế nào thì pháp luật đều đi theo cả. Chúng ta không thể dùng quan hệ pháp luật để yêu cầu vợ tôi phải ngủ với tôi một tuần 4 ngày hoặc 5 ngày được”.
Phân giải các ý kiến tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông tin, đa số các ý kiến đại biểu đồng tình với việc áp dụng lẽ công bằng trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự. Việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử vụ việc dân sự chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật không có quy định.
Tòa án không được để người dân… tự xử
Trước đó, phần làm việc buổi sáng, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã nêu quan điểm tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo bộ luật: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Khẳng định đây là nội dung rất mới, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng, đó cũng là căn cứ để tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu. Nguyên tắc ông Nghĩa nhấn mạnh là không để người dân tự xử lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Tòa án có thể vận dụng các nguyên tắc như áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng, thông lệ quốc tế…. để phán quyết, phân xử các tranh chấp.
“Trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục thì quy định này sẽ góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014. Hơn nữa, quy định này sẽ khuyến khích các thẩm phán nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo pháp luật, bám sát yêu cầu của xã hội, không máy móc, rập khuôn, để tránh vụ việc tranh chấp kéo dài trong nội bộ nhân dân”- ông Nghĩa phân tích.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng nhằm đề phòng xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra tòa, dự thảo bộ luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh, nhất là phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì tòa án mới xem xét thụ lý. Đồng thời, luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp tòa bác đơn kiện.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích: Các mối quan hệ kinh tế – xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó sẽ có thời điểm tạo ra khoảng trống về pháp luật. Pháp luật chưa theo kịp để điều chỉnh các quan hệ kinh tế – xã hội mới phát sinh. “Lúc này trách nhiệm phải thuộc về nhà nước, không thể đẩy trách nhiệm về phía nhân dân để nói rằng vì chưa có điều luật áp dụng nên từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự”.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, việc bổ sung quy định tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết tranh chấp của người dân là cần thiết. Nếu tòa án từ chối thụ lý thì không cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc, như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tòa án, không đúng tinh thần tòa án là chỗ dựa pháp lý cho công dân.
Nguồn: Theo Dân trí
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.