Đừng phong “danh hiệu” nhẫn nhịn, hi sinh ở thời “gái có công chồng vẫn phụ”
Có không ít những câu chuyện kiểu như: Một người chồng cờ bạc rượu chè, vợ chịu đựng và nuôi con khôn lớn, thế mới được khen. Một người chồng gái gú triền miên, về nhà là đánh chửi vợ con, vợ nhẫn nhịn níu kéo chồng về, thế mới là khéo léo và biết cách làm vợ, còn bù lu bù loa lên, hoặc li dị phứt cái, thì là không biết nghĩ cho con, không giữ được gia đình đầy đủ cho con, chỉ lo sướng cho cái thân mình. Chồng có khó tính, khô khan, vô tâm, thì cũng: “Ôi dào thế là tốt chán rồi, cố chịu nhịn một tí, khéo một tí là ổn mà”.
Bố mẹ chồng có ghê gớm, cay nghiệt thì sẽ “ông bà là bậc bề trên, phải kính trọng, nhẫn nhịn chứ biết làm sao”. Chồng bắt nghỉ việc ở nhà chăm sóc ông bà nội già yếu của chồng, nếu không chịu sẽ bị chụp cho cái mũ “ích kỉ không biết nghĩ tới người khác” ngay lập tức được. Vân vân và vân vân. Toàn những lời lẽ khuyên những người phụ nữ phải quên đi quyền lợi của bản thân mình, phải hi sinh vì gia đình nhỏ của mình và vì gia đình lớn của nhà chồng, chịu đựng tất cả những tệ bạc mà cuộc hôn nhân của mình không may mang lại.
Ai cũng có quyền sống, quyền hạnh phúc bởi mỗi chúng ta chỉ sống có 1 cuộc đời. Thế mà, trong cái thế kỉ 21 đầy văn minh và hiện đại này, nhiều người phụ nữ lại có khi mất hẳn cả quyền con người khi gắn vào mình trách nhiệm làm mẹ, làm dâu. Có nhà nọ, ban đêm vợ trông con quấy khóc mệt quá, ban ngày ngủ tranh thủ một tí, mẹ chồng thấy thế, kêu trời:“Cái loại mất nết ngủ ngày!”, chồng liền thỏ thẻ giảng hòa: “Lần sau nhớ xin phép mẹ!”. Vâng, đến đi ngủ cũng phải xin phép! Có nhà khác, bố chồng bịa đặt dựng chuyện vu oan cho con dâu, nhưng con dâu nhất định phải im lặng lắng nghe và thành tâm tiếp thu, nếu có trót nói lên để biện minh cho mình thì là “láo, hỗn, dám cãi bố chồng”. Đấy, đến quyền cho những thứ nhỏ nhất, cơ bản nhất cũng không được, vẫn bắt người ta phải nhẫn nhịn, thì thử hỏi phụ nữ là vợ, là con dâu hay là nô lệ bán mình?
Nếu làm tốt, tất nhiên sẽ được tung hô: “Ôi đứa con dâu ông A ấy tuyệt vời lắm nhé, ông bà ấy như thế mà nó đều nhịn hết, rồi hi sinh nhiều thứ vì nhà ông ấy lắm!”. Vâng, vậy là cô con dâu ấy được tiếng tốt, được mọi người khen ngợi, xuýt xoa. Một bà mẹ lấy cô B đã nhẫn nhịn, cam chịu và hi sinh thế nào để bây giờ 60 tuổi ông bà vẫn cạnh nhau để làm gương cho cô con gái cứ bị chồng đánh là ôm con bỏ về nhà đẻ. Nhưng cái danh hão, những lời đầu lưỡi ấy để làm gì, trong khi cuộc sống của cô ấy như địa ngục trần gian, sống từng ngày dài chẳng có tí chút nào vui vẻ cho bản thân mình.
Chị sợ cái định kiến xã hội là một thứ vô hình nhưng rất có hiệu lực kềm tỏa hành vi con người. Một khi đa số người xung quanh coi trọng người phụ nữ biết hi sinh, thì số người dám đứng lên tuyên bố “tôi chẳng có nghĩa vụ phải hi sinh vì ai cả, gia đình là trách nhiệm của tất cả các thành viên liên quan” cơ hồ là số ít mà thôi. Còn lại, đa số, vẫn vì cái tâm lí sợ cái nhìn của thiên hạ, sợ lời đàm tiếu của dư luận mà rồi cố gồng mình lên để chịu đựng. Có người thì vì được tung hô, lại cảm thấy cuộc sống đòi hỏi mình cần hi sinh này cũng có ý nghĩa đấy chứ, và để rồi thỏa mãn với cái hư vinh hão huyền ấy, họ tiếp tục bán đời mình cho những kẻ chả yêu thương gì họ. Rồi có người còn bị lừa phỉnh bởi những lời lẽ hoa mỹ“cứ hi sinh thật nhiều đi, rồi sẽ được đền đáp”, vì thế mà có khi hi sinh bỏ học để đi làm kiếm tiền nuôi người yêu học hành, với suy nghĩ “dù gì mình sẽ là vợ anh ấy, mình học kém hơn anh ấy nên nhường cơ hội đi học cho anh ấy cũng đúng”.
Dân gian có câu “gái có công, chồng chẳng phụ”, nhưng thời nay chị biết người ta lại hay truyền tai nhau câu “gái có công, chồng vẫn phụ” cơ! Cô bạn gái hi sinh tuổi xuân và cơ hội học Đại học kia, cuối cùng nhận lại được gì? Đó là gần ra trường, anh bạn trai tuyên bố chia tay cô vì đã yêu người khác. Người phụ nữ nghỉ việc ở nhà chăm con, chăm mẹ chồng già yếu được gì? Đó là chồng ngoại tình vì chê vợ ở nhà lạc hậu, không năng động, luộm thuộm, xấu xí. Người vợ vì tiết kiệm tiền cho gia đình, chẳng dám mặc đẹp, trang điểm xinh tươi mà bị chồng chán, chồng chê rồi chồng cặp bồ. Và còn rất nhiều rất nhiều những hoàn cảnh khác, mà ở đó, người vợ hi sinh, dành hết những gì mình có cho chồng/ người yêu nhưng nhận lại chỉ là cay đắng và nước mắt.
Đã có bao nhiêu người đàn bà hy sinh cả tuổi thanh xuân, bỏ công việc, sự nghiệp của chính mình để cần mẫn lo toan vì cái gọi là gia đình, nhẫn nhịn và tha thứ với những lần ngoại tình của chồng vì muốn con đủ đầy mẹ cha, cuối cùng điều họ nhận được vẫn là tay bồng, tay bế con ra khỏi nhà chồng. Cũng chẳng ít phụ nữ ăn không dám ăn, mặc không dám mặc vì tiếc hộp sữa của con để nhận được ánh mắt ghẻ lạnh của chồng vì mặc bộ đồ xoàng xĩnh… Có người bận bịu tay chân nhưng 10 giờ đêm vẫn chờ chồng bên mâm cơn nguội lạnh, còn anh chồng sau buổi tennis trở về buông thõng câu: “Tôi ăn cơm rồi, đã bảo không phải chờ”…
Chưa nói tới việc phụ nữ hi sinh có được gì hay không, đầu tiên chị tự hỏi, tại sao phụ nữ phải hi sinh? Ai cũng là do cha mẹ nuôi lớn, cho ăn học thành tài rồi mới dựng vợ gả chồng. Phụ nữ lấy chồng là để cùng chồng vun đắp, xây dựng tổ ấm mới, cùng chồng phụng dưỡng bố mẹ 2 bên, chứ phụ nữ đâu có nợ nần, mắc ơn chồng hay nhà chồng. Họ đã gánh trên mình thiên thức làm mẹ, làm vợ, làm dâu, thực sự quá vất vả rồi, còn bắt họ nhẫn nhịn, chịu đựng những ngang trái, vô lí nữa, quả thực là những đòi hỏi quá đáng!
Ngày 8/3 các chị các mẹ thi nhau khoe chồng nấu cơm, rửa bát như một món quà quá đỗi đặc biệt, vui thì vui đấy nhưng có phải có chút đắng cay không?
Vì thế mà, đừng khuyên phụ nữ phải hi sinh, cũng đừng tung hô người phụ nữ biết hi sinh nữa, thế có khác gì đày ải, giết họ một cách từ từ! Phụ nữ phải biết yêu thương bản thân mình trước tiên, nhiều một chút, đừng đối xử tệ với bản thân, cũng đừng để ai xử tệ với mình, rồi hãy nghĩ tới yêu thương người khác! Chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác nếu bản thân mình không biết thế nào là hạnh phúc.