Từ khi thời tiết chuyển đông, chị Thanh Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) liền đi mua ngay một chiếc thảm để trải sàn vừa để đỡ lạnh chân, vừa để trẻ nhỏ thoải mái vui chơi dưới sàn nhà. Thế nhưng dùng được mấy ngày thì bố chồng chị bị hắt hơi, sổ mũi. Bố chồng chị bị viêm xoang nên lúc đầu chị đoán là do thời tiết chuyển lạnh, chứng bệnh này lại “hành” ông cụ. Bình thường bố chồng chị chỉ dùng một vài loại thuốc quen thuộc là bệnh đỡ thì đằng này bệnh của cụ trầm trọng hơn.
Chị kể: “Trong một lần tình cờ nói chuyện với bạn, tôi tá hỏa khi bạn bảo rằng có thể nguyên nhân khiến bố chồng tôi phát bệnh xoang là do tấm thảm tôi mới mua. Chồng nó bị viêm xoang, trước cũng gặp trường hợp như vậy. Tôi liền cuốn tấm thảm cất đi, ai dè bệnh của bố chồng tôi đỡ hẳn”.
Theo các chuyên gia, nhiều loại thảm bày bán trên thị trường được quảng cáo là làm từ vật liệu thiên nhiên, không chứa chất độc hại, không gây kích ứng cho da… Nhưng thực tế, đa số các loại thảm đều chứa thành phần tổng hợp cùng các chất phụ gia hóa học. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi – VOC, có trong thảm trải sàn, được hấp thụ qua không khí sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Hoạt chất này có thể gây nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, gây ra các vấn đề về thần kinh, đồng thời còn gây kích thích ở mắt, mũi, cổ họng.
Hiện nay, nhiều gia đình hay sử dụng loại thảm cao su bọt. Tuy nhiên, loại thảm này cũng được cảnh báo gây nguy hiểm cho trẻ vì chứa thành phần độc hại formamide. Chất này giúp cho thảm xốp, mềm nhưng nó lại được xếp vào loại hóa chất có thể gây ung thư và còn gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Dù đã được đề nghị loại bỏ chất này khỏi thảm nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn sử dụng chúng. Chính phủ Bỉ và Pháp hiện đã cấm lưu hành loại thảm này trên thị trường.
Bác sĩ nói gì?
Bên cạnh chất độc hại, thảm trải sàn kém vệ sinh còn trở thành “ổ” vi khuẩn – mầm mống gây dị ứng và các bệnh về đường hô hấp. Cụ thể, thảm để lâu mà không được giặt, làm sạch, nhất là trong điều kiện độ ẩm tăng cao, phòng kín thì sẽ khiến nấm mốc phát triển mạnh mẽ. Thảm sẽ rơi vào tình trạng bốc mùi khó chịu, biến chất, đổi màu… Nguy hại hơn, nấm mốc sẽ làm ô nhiễm không khí và gây kích ứng với người có cơ địa nhạy cảm. Người có tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn sẽ dễ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, ngứa ngáy da…
Thảm sàn nhà giống như miếng bọt hút vi khuẩn, giữ lại mọi thứ, từ chất bẩn trong đồ ăn, lẫn bụi bẩn trong không khí. Theo một vài nghiên cứu, thảm được cho là nơi chứa các sinh vật bẩn hơn trong toilet tới 4000 lần. Nếu thảm để lâu, bị ẩm, bẩn, các vi trùng, kí sinh trùng ẩn nấp trong các sợi vải sẽ sinh sôi nảy nở nhanh và lan ra vật dụng khác trong nhà. Điển hình cho kí sinh trùng ở thảm trải sản là rệp và mạt bụi. Chúng gây ra các chứng bệnh như mẩn ngứa da, viêm mũi, hen suyễn…
Bác sỹ đa khoa Văn Anh cho biết, vào mùa đông, nhiều gia đình hay sử dụng máy sưởi trong phòng có trải thảm. Họ cho rằng thảm không có khả năng tỏa nhiệt nhưng lại có khả năng giữ nhiệt nên sẽ góp phần giữ cho căn phòng ổn định nhiệt độ hơn. Tuy nhiên, thực tế là máy sưởi sẽ làm cuộn tung các hạt bụi nhỏ (mà mắt thường khó nhìn thấy) có trong thảm. “Việc dùng máy sưởi mà thảm trải sàn không được vệ sinh sạch sẽ thì bụi bẩn sẽ có cơ hội khuếch tán trong không khí, gây ra các bệnh lý về đường hô hấp”, bác sỹ Văn Anh cho biết.
Để tránh biến thảm thành ổ bệnh gây hại cho sức khỏe, bạn nên hút bụi và giặt thảm thường xuyên để thảm luôn sạch sẽ. Khi thảm bị dính bẩn, bạn nên lau rửa ngay. Nếu bạn đang dùng thảm len mà lỡ đánh đổ thức ăn, nước uống xuống thảm thì hãy lấy khăn khô thấm hết nước, tùy vào mức độ bẩn mà xử lý. Với thảm được làm từ lông cừu thì bạn không nên giặt bằng bột giặt mà nên dùng những loại xà bông chuyên dụng hoặc dầu gội đầu để làm sạch chúng. Với những chiếc thảm mới mua, bạn nên giặt qua một lượt trước khi sử dụng.
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.