Dùng vi sinh vật duy trì độ ẩm cho đất

Chất đốt cao cấp từ trấu

Viện Công nghệ Sinh học đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học tạo ẩm cho đất có tên là Lipomycin-M. Chỉ cần bón Lipomycin-M quanh gốc cây với liều lượng vừa phải, rồi lấp một lớp đất lên là có thể duy trì độ ẩm trong đất.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Kim Thuần và các nhà khoa học Viện Công nghệ Sinh học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là tác giả của nghiên cứu nói trên.

Để giữ ẩm cho đất, người ta đã sử dụng các chất giữ ẩm nhân tạo và đã thu được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên về lâu dài, chất giữ ẩm nhân tạo lai làm cho đất kết vón, pH tăng làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng môi trường đất.

Khắc phục nhược điểm trên, Phòng Nghiên cứu các chất có Hoạt tính sinh học, Viện Công nghệ Sinh học, Viên Khoa học-Công nghệ Việt Nam trong 5 năm qua đã điều tra khu hệ vi sinh vật đất trống đồi trọc 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học đã phân lập được một bộ giống vi sinh vật sinh màng nhày và tiến tới nghiên cứu thành công qui trình sản xuất chất giữ ẩm Lipomycin-M từ vi sinh vật sinh màng nhày Lipomyces starkeyi PT7.1.

Chủng nấm men Lipomyces PT7.1 được phân lập từ vùng đất trống đồi trọc ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có ưu điểm là có khả năng tạo màng nhầy trong điều kiện đất khô hạn và sinh trưởng ở nhiệt độ cao, đặc biệt hỗ trợ tốt cho việc phủ xanh đất trống đồi trọc.

Theo nhóm nghiên cứu, sử dụng chế phẩm này rất đơn giản, chỉ cần bón Lipomycin-M quanh gốc cây với liều lượng vừa phải, rồi lấp một lớp đất lên. Đối với vùng khô hạn không có nước tưới thì phải bón chế phẩm vào cuối mùa khô hoặc đầu mùa mưa. Trong điều kiện không mưa, nấm men sinh trưởng chậm và có thể tồn tại suốt mùa khô dưới dạng nang bào tử.

Khi mùa mưa đến, bào tử nảy chồi và sinh sôi nảy nở tạo màng nhày có tác dụng làm giảm sự bốc thoát hơi nước, tăng khả năng giữ nước của đất, duy trì độ ẩm cho đất trong điều kiện địa hình không có nước tưới thời gian dài, góp phần nâng cao tỷ lệ sống của cây trồng.

Đặc biệt, chế phẩm này nếu trộn với phân NPK thì hiệu quả giữ ẩm sẽ tăng thêm từ 15 – 30% so với bón riêng rẽ. Ngoài những ưu điểm kể trên, vi sinh Lipomycin-M còn có nhiều đặc tính quý khác là không gây tổn hại cho hệ vi sinh vật đất, động vật đất cũng như đối với môi trường sinh thái; đồng thời không gây độc hại cho cây trồng.

PGS-TS Tống Kim Thuần cho biết, hiện nay, Viện rất cần có sự đầu tư để sản xuất trên quy mô lớn, tăng hiệu quả phục vụ nông dân, hoặc chuyển giao công nghệ cho những vùng khô hạn.

 

Theo TTXVN, KH KT nông nghiệp