Dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ

Ảnh: internet

Sắt: Là thành phần quan trọng trong cơ thể. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu làm cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Với trẻ em, thiếu máu làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy và học tập.

Khi phụ nữ mang thai bị thiếu máu, thai nhi sẽ kém phát triển, dễ bị suy dinh dưỡng bào thai; người mẹ bị tăng nguy cơ mắc các tai biến sản khoa: sẩy thai, đẻ non, băng huyết sau sinh…

Thức ăn nguồn gốc động vật nói chung như: thịt, trứng, gan, cá… giàu chất sắt và có tỉ lệ hấp thu cao (hấp thu 30%); các loại đậu đỗ có nhiều chất sắt và tỉ lệ hấp thu tương đối cao (hấp thu 20%); các loại ngũ cốc, lương thực đều nghèo chất sắt và tỉ lệ hấp thu thấp (hấp thu 5%). Các loại rau, quả chứa ít chất sắt nhưng rất giàu vitmin C vừa giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vừa hỗ trợ hấp thu sắt tốt.

Iốt: Trong cơ thể, iốt là một khoáng chất vi lượng, ít hơn lượng sắt 100 lần nhưng là VCDD cần thiết để tạo nên hormon tuyến giáp là hormon chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể. Thiếu iốt gây ra nhiều rối loạn khác nhau: bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, đần độn…

Việc thiếu iốt trong thời kỳ thiếu niên không chỉ gây ra bướu cổ mà còn dẫn đến đần độn, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Phụ nữ mang thai nếu thiếu iốt có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như điếc, câm, lác. Các loại tảo biển và thủy sản ở biển có hàm lượng iốt tương đối tốt, các loại thực phẩm khác hàm lượng iốt thường thấp và phụ thuộc vào từng vùng đất trồng. 

Kẽm: Kẽm được biết đến như một VCDD cần thiết trong khoảng 30 năm gần đây. Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym kim loại. Kẽm có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống với các tác nhân gây bệnh, làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ em SDD, trẻ biếng ăn. Tháng 5/2004, Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF đã khuyến cáo sử dụng kẽm trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh bổ sung kẽm cho trẻ SDD, cho trẻ bị tiêu chảy đã rút ngắn số ngày bị bệnh, giảm số lần tiêu chảy mỗi ngày. Kết quả là trẻ sớm bình phục về sức khỏe và cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Kẽm là một chất xúc tác không thể thiếu được của ARN-polymerase, có vai trò quan trọng trong quá trình nhân bản AND và tổng hợp protein. Đặc biệt, kẽm còn tham gia vào sinh tổng hợp và điều hòa của GH, IGF-I là các hormon liên quan tới quá trình tăng trưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, kẽm có vai trò thúc đẩy tăng trưởng thông qua các hormon này. Kẽm kích thích sự tăng trưởng, giúp cho hệ tiêu hóa phát triển và tăng cường chuyển hóa nhất là khi trẻ bị suy dinh dưỡng. Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của bổ sung kẽm đối với tăng trưởng của trẻ em đặc biệt là cải thiện chiều cao của trẻ em thấp còi.

Kẽm có nhiều trong thức ăn động vật như thịt, cá, cua – tôm biển, hàu biển, trai, sò… Để  tăng lượng kẽm trong khẩu phần ăn hằng ngày cần thực hiện:

Hạn chế rượu và cà phê: Cả hai chất này đều khiến kẽm bị bài tiết nhanh qua đường tiểu.

Không nấu quá nhừ: hấp, luộc, nướng quá kỹ đều làm lượng kẽm trong thực phẩm giảm tới một nửa.

Ăn các thực phẩm không chế biến sẵn: Trên 75% lượng kẽm trong bột mỳ bị mất đi khi qua chế biến. Hạn chế ăn bánh mỳ trắng và các thực phẩm đó qua chế biến công nghiệp.

Hiện nay, kẽm là một thành phần của viên đa VCDD dùng để phòng chống thiếu vi chất cho phụ nữ trước khi mang thai, trong khi mang thai và trẻ nhỏ. Viên kẽm, siro kẽm cũng đã được sản xuất và lưu hành trên thị trường, tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy cấp, bị suy dinh dưỡng cần tư vấn bác sĩ để có thể sử dụng kẽm một cách có hiệu quả.

Nguồn: Theo Sức Khỏe và Đời Sống

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.