Theo thuyết tương đối hẹp của Einstein, một cái đồng hồ đang bay sẽ tích tắc chậm hơn một cái đồng hồ đứng yên. Và thực tế đúng là như vậy, một nhóm nghiên cứu quốc tế tuyên bố.
Khoảng 100 năm sau khi Einstein viết rằng thời gian chạy nhanh lên hoặc chậm đi phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của một vật so với vật khác, các nhà khoa học đã sử dụng một máy gia tốc hạt để chứng minh rằng điều đó đúng.
(Ảnh: iStockphoto) |
Trong thí nghiệm, họ phát đi 2 chùm nguyên tử chạy theo hình một cái bánh rán – thể hiện cho chiếc đồng hồ đang chuyển động của Einstein. Sau đó, họ đo thời gian của các chùm nguyên tử này bằng máy đo phổ laser có độ chính xác cao. Khi so sánh với thế giới thực bên ngoài, họ nhận thấy thời gian di chuyển của các nguyên tử quả thực chậm hơn bình thường.
“Chúng tôi đã có thể xác nhận hiệu ứng này chính xác chưa từng có”, trưởng nhóm nghiên cứu Gerald Gwinner từ Đại học Manitoba ở Winnipeg, Canada, nói. “Và trong sự nhất trí tuyệt đối”, ông bổ sung.
Thí nghiệm đầu tiên đo sự giãn nở thời gian diễn ra năm 1938, khi các nhà khoa học Mỹ sử dụng hiệu ứng Doppler (hiện tượng sắc thái âm thanh của một vật – chẳng hạn tiếng còi tàu – thay đổi khi đến gần hoặc đi xa tai người nghe) để làm dụng cụ đo.
Lý thuyết tương đối hẹp của Einstein trở thành nền tảng cho các câu chuyện khoa học viễn tưởng, vì nó mở ra triển vọng làm cong và xoắn thời gian.
Theo lý thuyết này, nếu một trong hai anh em sinh đôi được phóng vào vũ trụ với tốc độ rất cao, thì khi anh ta trở về, anh ta sẽ trẻ hơn người em sống trên trái đất của mình.
Đài tưởng niệm Albert Einstein (Ảnh: AFP) |
Thuận An
Theo AFP, ABConline, Vnexpress