Một con gấu bắc cực đã phải bơi 9 ngày liên tục, với quãng đường dài 687km, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Polar Biology cho hay.
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân khiến gấu Bắc cực phải bơi ngày càng xa để tìm kiếm thức ăn là hiện tượng biến đổi khí hậu khiến băng ở Bắc cực tan ngày càng nhanh. Điều này cũng có nghĩa là khoảng cách giữa các tảng băng trôi ngày cành xa.
Gấu bắc cực bơi liên tục 687km để kiếm thức ăn
Các nhà khoa học thuộc cơ quan Geological Survey (Mỹ) đã gắn một thiết bị theo dõi GPS vào cổ gấu Bắc cực để theo dõi các hoạt động của chúng. Trong quá trình theo dõi, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một con gấu Bắc cực mẹ bơi liên tục trong vòng 9 ngày.
“Con gấu Bắc cực này bơi liên tục trong vòng 232 giờ với quãng đường dài 687km dưới làn nước lạnh 2-6 độ C. Chúng tôi cảm thấy kinh ngạc với khả năng này của gấu Bắc cực, nhưng lâu dài điều này có thể ảnh hưởng tới những thế hệ tiếp theo của loài gấu này”, tiến sĩ George M. Durner, thành viên nhóm nghiên cứu, lo ngại.
Khó khăn đang chờ những thế hệ tiếp theo của gấu bắc cực
Gấu bắc cực thường xuyên phải di chuyển giữa các tảng băng trôi để săn hải cẩu làm thức ăn. Vì thế, việc phải di chuyển với một khoảng cách dài sẽ khiến gấu Bắc cực tiêu tốn nhiều năng lượng. Điều này có thể khiến gấu sinh sản thưa hơn, ảnh hưởng tới những thế hệ tiếp theo.
Hiện tại, gấu Bắc cực đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh Sách Đỏ. Đây là một trong những động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao do môi trường sống của chúng ngày càng bị tàn phá do biến đổi khí hậu.
Theo Bee.net