Ghi điểm trong cuộc tranh cãi giữa một bên là tự nhiên, một bên là sự nuôi dưỡng, các nhà di truyền học thuộc đại học North Carolina đã chứng minh rằng nhân tố môi trường như lối sống và địa lý giữ một vai trò lớn trong việc điều hành bật hoặc tắt một số gen nhất định.
Nghiên cứu mức phản ứng gen trong tế bào bạch cầu của 46 người Amazigh Ma-rốc (người Berber) bao gồm người du mục trên sa mạc, người trồng trọt trên núi và cư dân của đô thị ven biển, các nhà khoa học thấy rằng có đến 1/3 gen thể hiện khác biệt nhau tùy thuộc vào địa điểm cũng như phương thức sống của người Amazigh Ma-rốc.
Các nhà nghiên cứu bang North Carolina – Youssef Idaghdour, nghiên cứu sinh bang North Carolina ngành di truyền học đồng thời là một học giả Fulbright, tiến sĩ Greg Gibson trước đây là giáo sư di truyền học William Neal Reynolds tại bang North Carolina hiện là thành viên của đại học Queensland tại Australia – đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của bước chuyển đổi môi trường sống cổ truyền sang lối sống thành thị đối với hệ miễn dịch của con người.
Họ đã sử dụng những công cụ tiên tiến nhất để phân tích trình tự gen cũng như mức độ thể hiện của tất cả 23.000 gen trong hệ gen của người nhằm so sánh 3 nhóm người Amazigh Ma-rốc với nhau. Họ đã chọn nhóm người này do có một vốn gen di truyền tương tự nhau nhưng lại có lối sống khác biệt và cư trú trên các lãnh thổ địa lý cũng khác biệt với nhau. Vì thế, sự khác biệt trong mức phản ứng của gen giữa 3 nhóm này có thể sẽ bắt nguồn từ môi trường sống chứ không phải các nhân tố di truyền.
Nghiên cứu mức phản ứng gen trong tế bào bạch cầu của 46 người Amazigh Ma-rốc (người Berber) bao gồm người du mục trên sa mạc, người trồng trọt trên núi và cư dân của đô thị ven biển, các nhà khoa học thấy rằng có đến 1/3 gen thể hiện khác biệt nhau tùy thuộc vào địa điểm cũng như phương thức sống của người Amazigh Ma-rốc. (Ảnh: Image courtesy of North Carolina State University) |
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra những gen cụ thể và con đường ảnh hưởng của lối sống cũng như nhân tố địa lý. Ví dụ, các gen liên quan đến hô hấp được khởi động thường xuyên hơn ở người dân thành thị so với người dân trồng trọt trên núi hoặc người du mục.
Idaghdour cho biết điều này hoàn toàn hợp lý do cư dân thành thị phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao hơn, dễ mắc nhiều bệnh như hen suyễn hoặc viêm phế quản. Đó chính là lý do tại sao một số gen hô hấp nhất định ở cư dân thành thị hoạt động mạnh hơn trong khi lại nằm yên tĩnh trong hệ gen của người du mục cũng như người dân nông thôn.
Các nhà nghiên cứu bang North Carolina cũng nghiên cứu từng gen trong 3 nhóm dân cư và phát hiện thấy rất ít khác biệt về mặt di truyền giữa họ. Như vậy sự khác biệt hạn chế này không thể giải thích được những khác biệt lớn trong biểu hiện của gen.
Mặc dù Idaghdour ban đầu đưa ra giả thuyết rằng nhân tố môi trường nắm giữ một vai trò trong biểu hiện của gen, ông không hề nghĩ đến những khác biệt lớn như thế. Khoảng 30% gen biểu hiện khác biệt giữa người dân thành thị và người dân vùng núi.
Idaghdour cho biết: “Ý nghĩa quan trọng nhất của nghiên cứu này chính là những người có cùng một vốn gen di truyền có thể sống ở những môi trường khác nhau và có thể có biểu hiện khác nhau. Cùng một gen sẽ có thể hoạt động trong môi trường thành phố nhưng không họat động ở môi trường nông thôn chính là do nhân tố môi trường. Do đó chúng ta cần phải tìm hiểu về môi trường khi nghiên cứu mối quan hệ giữa gen và bệnh tật”.
Bài viết “Dấu hiệu biểu hiện của gen trong môi trường địa lý ở tế bào bạch cầu của người Amazigh Ma-rốc” của các tác giả Youssef Idaghdour và Greg Gibson (North Carolina) viết; John D. Storey (đại học Princeton), và Sami J. Jadallah (Quỹ bảo tồn và phát triển động vật hoang dã quốc tế HRH Prince Sultan, Agadir, Morocco) được đăng tải ngày 11/4/2008 trên tờ PloS Genetics.
Theo Trà Mi (ScienceDaily)