Những “người nam châm” không phát ra lực từ, mà chỉ sở hữu làn da cực nhẵn và dính, các nhà khoa học khẳng định.
Khả năng kỳ lạ của những “người nam châm”
Bogdan trình diễn khả năng hút đồ vật với những chiếc thìa dính trên ngực. (Ảnh: MSNBC.)
Bogdan, một cậu bé 7 tuổi tại Serbia, đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông bởi khả năng hút các vật thể. Cậu đã thể hiện khả năng trước ống kính của các nhà báo.
Bogdan không phải là người đầu tiên được gọi là “người nam châm”. Trên thực tế, những màn trình diễn tương tự ngập tràn trên trang chia sẻ video trực tuyến YouTube. Tuy nhiên, Benjamin Radford, tổng biên tập tạp chí Skeptical Inquirer, nói rằng, những người đó không phát ra từ trường.
“Khi xem những đoạn video đó, trong rất nhiều trường hợp bạn sẽ thấy người biểu diễn ngả người ra phía sau một chút. Nếu cơ thể có lực từ và lực từ đó mạnh hơn lực hút của trái đất, lẽ ra người biểu diễn có thể ngả về phía trước mà đồ vật vẫn dính trên da. Đó là một trong những lý do giúp chúng ta kết luận chẳng có từ trường nào cả”, Radford phát biểu với trang Life’s Little Mysteries.
Vậy tại sao những chiếc đĩa bằng thủy tinh và thiết bị điều khiển tivi bằng nhựa có thể gắn chặt vào cơ thể Bogdan?
“Thủy tinh không phải là vật liệu có từ tính. Điểm chung của những đồ vật bằng thủy tinh và kim loại được đặt lên cơ thể Bogdan là chúng có bề mặt rất nhẵn. Chúng không chịu tác động của lực từ và những người như Bogdan không phát ra từ trường. Nhờ bề mặt cực nhẵn mà những vật đó gắn chặt vào da. Thông thường những người như thế có làn da mịn và ngực không có lông”, ông nói.
Đoạn video được công bố trên trang MSNBC cho thấy Bogdan cởi trần và lông hầu như không xuất hiện trên ngực của cậu.
Radford khẳng định các nhà khoa học thường kiểm tra cơ thể những “người nam châm” để xem họ thực sự phát ra lực từ hay không. Kết quả cho thấy họ không phát ra lực từ. Chẳng hạn, khi họ đeo một la bàn trên cổ, kim của nó không chỉ về phía họ. Nếu cơ thể người phát ra lực từ đủ mạnh để hút chiếc thìa thì đương nhiên lực hút phải tác động tới la bàn. Nhưng trên thực tế kim của la bàn chỉ về phía bắc do tác động của cực từ bắc của địa cầu.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không hiểu tại sao những vật có bề mặt nhẵn – như thìa và đĩa – có thể dính chặt vào da một số người.
Sadie Crabtree, một chuyên gia thuộc Quỹ Giáo dục James Randi tại Mỹ, cho rằng bản chất của hiện tượng thực ra khá đơn giản.
“Hơi dính là một đặc tính tự nhiên của da người và một số cá nhân có làn da dính hơn những người khác. Hiện tượng đồ vật bám vào da chẳng khác gì việc ai đó đặt thìa lên mũi. Lực ma sát giữa da và đồ vật khiến đồ vật gắn vào cơ thể”, Crabtree nói.
Quỹ Giáo dục James Randi là tổ chức chuyên tài trợ cho các công trình nghiên cứu về hiện tượng bí ẩn.
Gabor Somorjai – một giáo sư hóa học và chuyên gia về các hiện tượng trên bề mặt vật thể của Đại học California tại Mỹ – cũng nói rằng hiện tượng đồ vật dính trên da có bản chất đơn giản.
“Làn da của người được bao phủ bởi mỡ và dầu. Bạn có thể làm sạch chúng bằng xà phòng, song chỉ chưa tới một phút sau dầu sẽ lại xuất hiện. Mỡ trên da người có năng lượng bề mặt thấp do nó là chất lỏng. Liên kết giữa các nguyên tử của mỡ tương đối yếu”, ông nói.
Ngược lại, kim loại có năng lượng bề mặt lớn do liên kết giữa các nguyên tử kim loại rất mạnh và khó bị phá vỡ.
“Những thứ có năng lượng bề mặt cao luôn sẵn sàng chuyển sang trạng thái năng lượng thấp hơn. Điều đó có thể xảy ra nếu chúng được bao phủ bởi vật chất có năng lượng bề mặt thấp”, ông giải thích.
Như vậy, những thứ bằng kim loại có xu hướng gắn kết mạnh với mỡ.
Bề mặt của vật thể càng nhẵn và diện tích bề mặt càng lớn thì mức độ bám dính vào da càng cao và thời gian dính càng dài. Elmar Kroner, một chuyên gia về vật liệu, khẳng định, sự co giãn của da cũng tác động tới độ dính của nó và mồ hôi khiến khả năng co giãn của da giảm.
“Mồ hôi có một chức năng quan trọng. Khi lượng mồ hôi tăng, da trở nên mềm hơn và độ co giãn giảm khiến năng lượng bề mặt của da cũng giảm. Tình trạng đó khiến da trở nên dính hơn. Vì thế, mồ hôi càng nhiều thì độ dính của da càng tăng”, Kroner nói.
Randi từng chứng minh rằng những “người nam châm” mất khả năng giữ đồ vật trên người khi họ xát bột tan lên da. Bột tan là khoáng vật mềm, mịn được dùng để làm sạch mỡ.
Tất cả lập luận trên cho thấy, Bogdan không phát ra lực từ, mà chỉ là một cậu bé có làn da cực nhẵn và dính.
Theo Vnexpress