Nhờ giải mã gien của loài trùng đế giày, một sinh vật đơn bào dùng làm mẫu nghiên cứu về sinh học, các nhà nghiên cứu Pháp đã xác nhận tầm quan trọng của sự nhân đôi bộ gien đối với sự tiến hóa của các loài động vật.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm CNRS và Genoscope giải mã ADN của loài động vật nguyên sinh có tiêm mao này đã phát hiện rằng nó chứa đến 40.000 gien nhờ 3 lần nhân đôi, trong khi con người có 25.000 đến 30.000 gien.
Người ta cho rằng một sinh vật nhân đôi số lượng gien có khả năng đổi mới, thích nghi với các điều kiện mới và tự đa dạng hóa. Hai nhà nghiên cứu Jean Cohen và Patrick Wincker đã xác nhận điều này nhờ loài trùng đế giày: việc định thời điểm nhân đôi bộ gien lần cuối cùng của nó tương đương với sự xuất hiện của 15 loài sinh đôi.
Trùng đế giày là động vật nguyên sinh đầu tiên được quan sát dưới kính hiển vi và vẫn được xem là một mẫu ưu tiên dành cho phòng thí nghiệm giúp nghiên cứu tổ chức tế bào và tính di truyền.
T.Đ
Theo Sciences & Avenir, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh