“Giải mã” những cú đạp của em bé trong bụng mẹ

Một trong những mong muốn của các bà mẹ đang mang thai là cảm nhận được những cú đá, những chuyển động của em bé. Những cú đá hay chuyển động này của thai nhi cũng có thể cho thấy sự phát triển bình thường của con. Tuy nhiên, khi ở trong tử cung, ngoài việc di chuyển xung quanh và đá, bé còn đang làm rất nhiều hoạt động khác nhau nữa như ngủ, chơi, ngáp, chớp mắt, nuốt,…

Khi nào người mẹ có thể cảm nhận cử động của thai?

Thông thường, các bà mẹ lần đầu tiên cảm nhận được những cú đá của con vào cuối tuần thứ 24 của thai kỳ. Thực tế, chuyển động của bé có thể đã xảy ra từ trước đó, nhưng không quá mạnh và các mẹ thường không để ý đến do vẫn còn những triệu chứng ốm nghén.

Những cú đá của bào thai có thể dự đoán các hoạt động của bé trong bụng mẹ?

Ngoài thời gian nghỉ ngơi, hầu hết các bé đều có 1 vài hoạt động trong ngày. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có thời gian ngủ, tỉnh dậy và thời gian chơi khác nhau trong bụng mẹ. Nhìn chung, hầu hết các bé có những chuyển động tích cực và rõ ràng sau khi người mẹ ăn, tập thể dục hoặc phản ứng với 1 số tác nhân khác như âm thanh lớn hoặc tiếng ồn. Điều quan trọng là các mẹ có thể đoán ra khoảng thời gian hoạt động và nghỉ ngơi của con. Hãy thử kết nối với các em bé trong giai đoạn vận động của chúng bằng cách có các cuộc trò chuyện nho nhỏ, hát những bài hát ru hoặc đọc sách cho con nghe.

Để cảm nhận được những chuyển động mạnh mẽ của con, hãy cố gắng ngồi ở 1 vị trí thoải mái sau bữa ăn hoặc sau 1 buổi tập thể dục để nói chuyện với thai nhi trong khi bé đang tự di chuyển trong bụng mẹ.

 

Số lượng các chuyển động của bào thai có quan trọng?

Điều này khá quan trọng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mỗi bé có những sự chuyển động khác nhau trong bụng mẹ. Với sự phát triển của thai nhi, cử động của bé có xu hướng giảm trong vài tuần cuối trước khi chào đời vì thiếu không gian bên trong tử cung. Mẹ cần chú ý theo dõi những chuyển động của thai nhi để tránh suy thai hoặc có bất kỳ 1 vấn đề nào khác. Việc thai nhi giảm cử động 1 cách bất thường hoặc không cử động cũng có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.

Nên quan tâm việc giảm hay tăng cử động của thai nhi hơn?

Chuyển động của thai nhi tăng lên không có nghĩa rằng đó là biểu hiện sức khỏe tốt hơn của thai nhi. Tương tự như vậy, việc giảm những cú đá cũng không có nghĩa là biểu hiện của việc suy thai.

Làm thế nào để có thể biết cử động thai đã giảm?

Trẻ di chuyển rất nhiều trong giai đoạn tăng trưởng của chúng khi còn trong bụng mẹ. Vì vậy, khi mẹ cảm thấy rằng các cử động đang giảm xuống, hãy quan sát sự chuyển động trong 2 giờ. Nếu mẹ cảm thấy ít hơn 10 vận động trong 2 giờ, hãy quan sát tiếp trong 2 giờ tiếp theo. Nếu không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể, mẹ nên gặp bác sĩ ngay lập tức.

Mẹ nên làm gì nếu em bé giảm cử động?

Có thể có một loạt các lý do dẫn đến việc thai nhi giảm chuyển động, tuy nhiên không phải lúc nào cũng là các nguyên nhân đáng lo ngại. Nếu bạn cảm thấy bé ít chuyển động, hãy thử những việc sau đây:

– Đi bộ hoặc đi dạo và thư giãn một chút.

– Ăn một chút gì đó lạnh, chẳng hạn như 1 cây kem. Sự thay đổi nhiệt độ bên trong tử cung có thể làm cho em bé di chuyển.

– Nghe nhạc hoặc nói chuyện với em bé. Thông thường một tác nhân kích thích bên ngoài như tiếng ồn lớn sẽ dẫn đến chuyển động và những cú đá của thai nhi.

Khi nào nên lo lắng về việc thai cử động?

Sau đây là những dấu hiệu cho thấy mẹ cần lo lắng về những chuyển động của bé:

– Cử động dưới 10 lần trong 2 giờ.

– Giảm hoặc không có phản ứng với các kích thích bên ngoài như âm thanh hoặc giọng nói của cha mẹ.

– Giảm dần các cử động trong hơn 2 ngày liên tiếp.

Thụy Du – (Dịch theo THS)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.