Trong những năm qua, tốc độ phát triển của các ngành kinh tế ven biển Việt Nam tăng nhanh, nhưng ngoài các hiện tượng tự nhiên cực đoan thì đây cũng là một nguyên nhân làm tổn thương đến tài nguyên và môi trường biển.
Bởi vậy, việc đánh giá mức độ tổn thương để từ đó có những biện pháp dự báo, phòng tránh, thích ứng và giảm nhẹ tổn thất có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển Việt Nam.
Những nguy cơ chính
Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có 6 nguyên nhân chính dẫn đến một số tai biến và sự cố môi trường tại vùng biển và ven biển Việt Nam. Đó là những hiện tượng tự nhiên cực đoan tảo độc và thủy triều đỏ, bão và lũ lụt; hoạt động của con người như giao thông vận tải biển, khai thác khoáng sản dưới đáy biển gây tràn dầu, tràn hóa chất… gây thiệt hại về kinh tế, tính mạng và sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường.
Một trong những mối đe dọa ô nhiễm nghiêm trọng nhất đối với các vùng biển là sự cố tràn dầu. Trong những năm gần đây, không ít các vụ tràn dầu do va, đâm, đắm tàu đã xảy ra, gây hậu quả xấu nghiêm trọng cho môi trường. Chỉ thống kê từ năm 1992 đến năm 2006, đã có 35 vụ tràn dầu làm thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những thiệt hại về môi trường tự nhiên và hậu quả thiệt hại về kinh tế do đánh bắt hải sản giảm sút.
Trong thời gian từ 1999 – 2004, cũng đã xảy ra 4 vụ rò rỉ hóa chất gây ô nhiễm môi trường biển. Cụ thể ngày 19/3/1999, do tai nạn hàng hải 5.000 tấn phân urê của tàu Viva Ocean, quốc tịch Panama đã bị nước biển tràn vào làm gần 1.500 tấn NH4-N tràn ra vùng Bãi Trước của thành phố Vũng Tàu, ảnh hưởng đến du lịch và nuôi trồng thủy sản. Hoặc tháng 3/2002, bọn buôn lậu ném 100kg xyanua xuống vùng biển gần cửa sông Trà Khú – Quảng Ngãi, làm tôm cá chết hàng loạt và gây tác hại nhiều mặt đến môi trường và nguồn lợi thủy sản tại đây.
Đến thời điểm này, có tới 14% tập đoàn san hô nhận thấy trên vùng biển Việt Nam đã chết; đồng thời hiện tượng xói lở bờ biển đang diễn ra phức tạp hầu hết trên các bờ biển, nơi ít nhất nước biển lấn vào đất liền 50m, nhiều nơi tới 200 – 250m. Mặt khác, vùng ven biển Việt Nam đã và đang gánh chịu nhiều cơn bão biển ngày càng khó dự báo, mỗi năm làm chết hàng trăm người và thiệt hại vật chất lên hàng nghìn tỷ đồng.
Song hậu quả to lớn và tiềm tàng nhất về tai biến và sự cố môi trường trên vùng biển và bờ biển Việt Nam , đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo nghiên cứu với các kịch bản đã được các nhà khoa học và cơ quan chức năng đưa ra, nếu nước biển dâng thêm 1m trong 100 năm tới, Việt Nam sẽ có 17 triệu người phải gánh chịu lũ lụt hàng năm, các biện pháp phòng vệ sẽ tiêu tốn thêm 2,4 tỷ USD.
Tăng cường đánh giá, dự báo
Các nghiên cứu về đánh giá tổn thương tài nguyên và môi trường biển Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ cuối thế kỷ XX. Tuy vậy, đến nay cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu theo các hướng tiếp cận khác nhau. Trong đó đáng chú ý là kết quả của nhóm nghiên cứu do giáo sư-tiến sỹ Mai Trọng Nhuận tiến hành từ năm 2001 đến nay. Qua nghiên cứu, điều tra, nhóm các nhà khoa học này đã xây dựng được bản đồ tổn thương và đề xuất biện pháp giảm thiểu cho nhiều địa phương ở vùng ven biển Việt Nam.
Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên địa chất đới duyên hải, lấy ví dụ vùng Phan Thiết – Vũng Tàu” đã đánh giá khả năng tổn thương của một số hệ sinh thái, như hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn ven biển phục vụ cho việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái này.
Nghiên cứu đánh giá khả năng tổn thương của đất ngập nước vùng ven biển cho khu đất ngập nước Ramsar Xuân Thủy – Nam Định, cũng đã được thực hiện. Qua đó, đã lập bản đồ các vùng dễ bị tổn thương và cho chim di cư – đối tượng có giá trị bảo tồn cao của khu Ramsar này; đánh giá khả năng ứng phó của khu vực và đề xuất một số giải pháp sử dụng hợp lý đất ngập nước. Đây là một nghiên cứu có giá trị phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng bền vững khu Ramsar Xuân Thủy nói riêng và các vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam nói chung.
Song song với những nghiên cứu đánh giá tổn thương vùng ven biển, có nhiều nghiên cứu đánh giá rủi ro môi trường cho vùng ven biển đã được thực hiện. Tiêu biểu như nghiên cứu đánh giá rủi ro môi trường cho vùng ven biển Đà Nẵng. Những nghiên cứu này tập trung đánh giá khả năng gây rủi ro của các yếu tố như tràn dầu, các chất ô nhiễm trong nước biển và trầm tích tác hại trực tiếp tới rừng ngập mặn, rạn san hô, các loài sinh vật biển.
Về nghiên cứu đánh giá tổn thương vùng ven biển do biến đổi khí hậu, tháng 1/2009, Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) đã công bố bản đồ tổn thương do biến đổi khí hậu của IPCC, để đánh giá tổn thương cho các nước trong khu vực. Với Việt Nam, đánh giá được thực hiện cho 53 tỉnh, thành phố. Năm 2008, Oxfam (Liên minh quốc tế của 15 tổ chức) đã có nghiên cứu về biến đổi khí hậu và tác động đến người nghèo ở Việt Nam, với điểm nghiên cứu ở Bến Tre và Quảng Trị.
Nghiên cứu ở Bên Tre với kịch bản nước biển dâng 1m vào năm 2100, Oxfam đã đưa ra được các dự đoán về tổn thất đất đai, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người nghèo do các tai biến về nước biển dâng, bão lụt và nhiễm mặn.
Nhằm nghiên cứu, điều tra đánh giá một cách toàn diện về lĩnh vực này nhằm phục vụ đắc lực cho Chiến lược, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nhất là Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 13/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 80 về “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020″.
Theo đó, các hoạt động thuộc nhiệm vụ hợp tác quốc tế đã và đang được lồng ghép thực hiện với các chương trình như Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Biến đổi khí hậu (NTP), PEMSEA, Chương trình hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ về khoa học, công nghệ biển…góp phần tăng cường năng lực quản lý nhà nước cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trên cả nước.
Theo Vietnamnet