Giận vợ, đập phá đồ…, đi tù như chơi!

Muốn được vào nhà nói chuyện với vợ nhưng không được mẹ và em vợ chấp thuận, ngăn lại dẫn đến hai bên giằng co nhau. Người chồng đã đập phá đồ đạc trong nhà để phải nhận sáu tháng tù giam về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Đứng trước tòa, anh ta rất hối hận về việc làm của mình nhưng tất cả đã quá muộn.

Đó là câu chuyện của Toor Jah Mohamad Nasrollah (35 tuổi, bác sĩ, nhà báo ở Pakistan) đã được TAND TP.HCM đưa ra xét xử vào đầu tháng 3 vừa rồi. Nasrollah và chị NTX (40 tuổi) kết hôn vào tháng 11-2014 và được chính quyền Pakistan chứng nhận nhưng chưa làm thủ tục ở Việt Nam. Sau kết hôn, chị X. về Việt Nam, người chồng ở lại hoàn thành chương trình bác sĩ. Thời gian này Nasrollah nhiều lần về Việt Nam thăm vợ.

Trong suốt phiên tòa, Nasrollah đều hối hận và mong được nối lại tình cảm với vợ. Ảnh: NT

Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc được thời gian thì phát sinh mâu thuẫn. Chị X. đòi chấm dứt tình cảm nhưng Nasrollah không đồng ý. Tối 23-6-2015, Nasrollah về Việt Nam với mong muốn hàn gắn tình cảm với vợ, chị X. không đồng ý. Chị yêu cầu Nasrollah ra khỏi nhà. Nasrollah cố tìm mọi cách vào nhà để gặp vợ nhưng bị mẹ và em trai chị X. ngăn lại. Hai bên giằng co nhau. Trong cơn nóng giận anh đập phá đồ đạc, làm hư một chiếc điện thoại, một tivi, một máy hút bụi với tổng giá trị là hơn 30 triệu đồng nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nasrollah rất hối hận, mong vợ tha thứ và muốn cùng vợ xây dựng hạnh phúc dài lâu. ‟Bị cáo không nói gì hết, chỉ nói vợ hãy cố gắng. Vợ nói tôi phải tìm việc làm thì mới đồng ý hàn gắn. Tôi đã xin vào dạy Anh văn cho một trung tâm ngoại ngữ. Buổi phỏng vấn có kết quả rất tốt. Tôi đưa bảng kết quả khoe với vợ mà cô ấy bảo tôi lừa dối. Hôm tôi đến nhà thăm, vợ bảo đi ra đi. Tôi thắc mắc sao là vợ chồng mà cô ấy lại đuổi mình ra. Tôi cố gắng mở cửa phòng thì bị em vợ ôm lại, mẹ vợ cũng lại đánh. Đang mệt vì thời gian dài ngồi trên máy bay nên bị cáo không kiểm soát được mình. Để hư mấy món đồ kia, bị cáo chẳng muốn một chút nào. Chắc bây giờ vợ rất buồn và giận bị cáo. Vợ ơi! Anh xin lỗi vợ. Hãy cho anh một cơ hội để chúng ta lại được là vợ chồng’’ – Nasrollah nói.

Chị X. ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên tòa. Người đại diện chị X. cho rằng Nasrollah là một người đàn ông dựa dẫm, ỷ lại và ăn bám chị X. Anh ta thường xuyên đòi chị phải đưa tiền, mật khẩu tài khoản ngân hàng và email khiến chị bị stress dẫn đến mâu thuẫn. Chị X. không thể sống chung nhưng Nasrollah vẫn ra sức níu kéo. Chị X. không yêu cầu bồi thường nhưng đề nghị tòa áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất bị cáo khỏi Việt Nam. ‟Nasrollah còn ở Việt Nam ngày nào, chị X. sống không yên, thấp thỏm lo âu. Chị ấy rất sợ anh ta quấy nhiễu cuộc sống của mình’’ – người đại diện chia sẻ nỗi niềm của chị X.

Theo tòa, việc Nasrollah đập phá đồ đạc trong nhà là xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác, gây tâm lý lo sợ cho người vợ và người khác trong gia đình. Hành vi ấy phải xử lý nghiêm thì mới đủ sức răn đe. Tuy nhiên, do hành vi của bị cáo xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, là người nước ngoài, phạm tội ít nghiêm trọng nên tòa xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Hành vi của bị cáo cũng chưa đến mức phải áp dụng hình phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

Một thẩm phán của TAND TP.HCM cho biết trong thực tế, rất nhiều người chồng, người vợ cứ tức vợ, tức chồng là đập phá đồ đạc trong nhà, từ tivi, tủ lạnh, bàn ghế, máy tính… nhưng từ trước đến nay rất ít bị xử lý hành chính hay hình sự. Người ta thường quan niệm rằng đã là tài sản chung của vợ chồng thì có quyền đập phá rồi sắm lại. Có nhiều người nghĩ sợ chồng, vợ chịu điều tiếng hay phải vướng đến pháp luật nên cho qua.

Theo vị thẩm phán này, đó là quan niệm sai lầm vì dù tài sản chung của vợ chồng nhưng vẫn bị xử lý theo pháp luật. Quan trọng là người trong cuộc có mạnh dạn trình báo, để những lần sau người đập phá chừa bản tính của mình hay không.

Quy định liên quan

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

(Khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009)  quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản)

Nguồn: Theo Pháp luật TP.HCM

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.