Một bộ phận trong giày được thiết kế để tạo ra điện từ hoạt động đi bộ hay chạy của con người, cung cấp năng lượng cho bộ phận cảm biến hay thiết bị điện tử khác.
>>> Nike sẽ thiết kế giầy tự buộc dây như trong phim “Back To The Future”
Cùng được tích hợp trong giày, một thiết bị sẽ tạo ra năng lượng khi gót chân người đi chạm đất. Trong khi đó, thiết bị còn lại sinh năng lượng khi chân chuyển động nhịp nhàng và tiến về phía trước như đi bộ hay chạy.
Thiết bị thu năng lượng gắn bên ngoài đôi giày, hoặc phần gót giày. (Ảnh: Kelvis Ylli/IOP Publishing)
“Cả hai thiết bị đều dựa theo một nguyên tắc là cảm ứng điện từ”, Klevis Ylli, nhà nghiên cứu của Viện vi chế tạo và Công nghệ thông tin của Đức, cho hay. Mỗi thiết bị chứa một cuộn dây và các lớp nam châm xếp chồng. Khi con người đi bộ hay chạy, nam châm chuyển động và khiến từ trường bên trong cuộc dây biến thiên. Từ trường thay đổi tạo ra điện bên trong dây dẫn. Chúng có thể kết nối và cung cấp điện cho các bộ phận điện tử gắn ngay trong giày.
Thiết bị thu ban đầu dài 70mm, rộng 19,5mm và cao khoảng 15mm. Nó chỉ nặng 25g, do đó người đi giày sẽ không cảm nhận thấy sức nặng. Thiết bị còn lại lớn hơn, nặng 150 gram và được phát triển với ứng dụng khác là cung cấp điện cho hệ thống định vị trong nhà (thay thế hệ thống định vị GPS). Cảm biến xác định tốc độ di chuyển của chân người và từ dữ liệu này, hệ thống định vị có thể tính toán con đường mà chúng ta đã đi.
Mô tả thiết bị được gắn bên trong giày. (Ảnh: BBC)
Theo kết quả thử nghiệm gần đây, chuyển động đi bộ của một người tạo đủ năng lượng cho hoạt động của cảm biến nhiệt độ (gắn trong giày) và một máy phát không dây. Bộ phận phát này sẽ truyền dữ liệu từ cảm biến về một chiếc điện thoại thông minh.
Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng chúng có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm mặc được hay mang theo trên người mà không bao giờ cần đến bộ sạc pin.
Theo Vnexpress