Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô Mai Xuân Triệu cho biết hiện các giống ngô lai Việt Nam chiếm từ 58-60% thị phần trong nước, số còn lại là của các công ty liên doanh với nước ngoài.
Giống ngô lai do Viện tạo ra chiếm tới 90% lượng giống lai của Việt Nam. Các giống ngô này có năng suất và chất lượng tương đương các giống ngô của các công ty liên doanh với nước ngoài nhưng giá bán chỉ bằng 65-70%, góp phần tiết kiệm chi phí cho người trồng 80-90 tỷ đồng/năm.
Với 1.000-1.200ha sản xuất hạt giống ngô lai mỗi năm, trung bình mỗi ha nông dân thu nhập cao hơn trồng lúa 18-20 triệu đồng. Song điều quan trọng nhất là người trồng ngô chủ động được hạt giống cho sản xuất, không lệ thuộc vào giống nhập khẩu của nước ngoài như những năm trước.
Từ thực tiễn sản xuất, Viện đã phát hiện và bổ sung cho nghiên cứu những vấn đề sản xuất đang cần, qua đó xây dựng chương trình nghiên cứu ngắn và dài hạn.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật vừa làm công tác nghiên cứu, vừa tham gia chuyển giao kết quả nghiên cứu, củng cố phát triển kỹ năng vận động quần chúng, giới thiệu sản phẩm mới cho địa phương.
Ngoài ra, họ còn tiếp thu các kiến thức về xã hội và kỹ thuật nông nghiệp khác có liên quan, làm cơ sở cho việc phát triển giai đoạn sau.
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng diện tích, năng suất, sản lượng ngô của Việt Nam cao hơn nhiều lần của thế giới, lợi nhuận trồng ngô lai cao hơn hẳn các loại cây trồng khác.
Chỉ tính riêng năm 2008, diện tích trồng ngô của cả nước (trong đó 90% diện tích là ngô lai) đạt trên 1 triệu ha, tổng sản lượng lên tới trên trên 4,5 triệu tấn.
Các giống ngô lai của Việt Nam bước đầu cũng đã xuất bán sang Lào, Campuchia, Quảng Tây (Trung Quốc)./.
Theo Vietnam+