Giun chui vào ruột ốc sên để “đi nhờ”

Giun tròn chui vào ruột ốc sên khi chúng ăn thực vật thối và cư trú trong đó cho đến khi được thải ra ngoài ở một địa điểm mới.

Giun sống nhờ trong ruột ốc sên

Theo National Geographic, sên Arion là một loại sên đất thuộc chi Palearctic. Hầu hết các loài thuộc chi này có nguồn gốc từ bán đảo Iberian nằm ở phía tây nam châu Âu. Trong khi ăn thực vật thối rữa, sên Arion vô tình nuốt phải một số loại sâu và giun, trong đó có giun tròn Caenorhabditis elegans (C.Elegans).

Sên Arion đang ăn cây thối. (Ảnh: NG)

Đây là một loại giun tròn nhỏ hay dùng làm sinh vật trong phòng thí nghiệm. Loại giun dài một mm này không bị tiêu hóa mà ở trong ruột sên cho đến khi được thải ra ngoài. Bằng cách này, chúng có thể đi xa khỏi nơi ở ban đầu, tìm đến chỗ mới có nguồn thức ăn dồi dào hơn.

“Đây là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi, bởi vì chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng C. Elegans có thể sống trong sinh vật khác,” Hinrich Schulenburg, người đứng đầu nghiên cứu, nhà động vật học tại trường Kiel, Đức, cho biết.

“Bằng cách nào đó giun C. Elegans có thể bảo vệ chúng khỏi bị tiêu hoá.” Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Ecoloy hôm 12/7.

Giun C. Elegans. Ảnh: NG

Những năm 1960, các nhà khoa học phát hiện ra C. Elegans là vật nghiên cứu hoàn hảo trong phòng thí nghiệm do chúng nhỏ, có vòng đời ngắn. Từ đó họ tiến hành giải mã gien của C. Elegans và có nhiều thông tin về loài này hơn hầu hết các sinh vật khác trên Trái Đất. Nghiên cứu trên loài này có thể làm nền tảng cho các loài khác và con người.

 

Theo VnExpress