Giường giảm đau cho bệnh nhân bất động

Các bệnh nhân di chuyển khó khăn hoặc bất động sẽ đỡ lo sợ và đau đớn mỗi khi phải di chuyển hoặc vệ sinh, nhờ chiếc “giường chống hoại tử cho người bất động”.

Nguyễn Long Uy Bảo, 43 tuổi, sống ở quận 9, TP HCM vừa giành giải cao nhất trong chương trình Nhà sáng chế do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, với sản phẩm là “Giường chống hoại tử cho người bất động” được ông nghiên cứu trong gần chục năm.

Với kết cấu thông minh là cơ cấu cài răng lược của các nan giường, sáng chế của ông Bảo có thể giúp người chăm sóc thay ga trải giường thuận tiện, dễ dàng mà bệnh nhân không cần phải di chuyển hay chịu nhiều đau đớn. Đặc biệt, khả năng chuyển động của các nan giường giúp người bệnh không phải tiếp xúc quá lâu với một điểm nào đó, từ đó giảm nguy cơ hoại tử cho những người nằm lâu ngày.

Ý tưởng tạo sản phẩm được ông Bảo nghĩ ra cách đây 14 năm, khi chính ông không may gặp tai nạn, và phải nằm trong bệnh viện thời gian dài. Tại đây, hằng ngày, ông quan sát thấy những bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc bị hoại tử đi lại rất vất vả, nhất là khi nhân viên bệnh viên tới thay ga giường, có người bệnh do đau phải hét lên.

“Khi bệnh nhân bị hoại tử, việc thay tấm ga giường càng trở nên khó khăn hơn. Thậm chí có ít nhất hai, ba, thậm chí 5 người mới nâng người bệnh ra khỏi giường được”, ông Bảo nói.

Thường xuyên chứng kiến hình ảnh đó, ông Bảo tự hỏi chẳng lẽ không có cách nào thay ga giường nhẹ nhàng hơn cho bệnh nhân.


Ông Nguyễn Long Uy Bảo. (Ảnh: Nhà sáng chế)

“Tại sao lại không tạo ra chiếc ga giường tiện lợi mà ngay cả khi người bệnh đang ngủ vẫn có thể thay ra được”, ông Bảo kể lại ý nghĩ của mình khi đó. “Có lẽ đó là chuyện bất thường, không tưởng, thay ga ra mà không nâng người lên thì làm sao được. Nếu làm được thì chắc hẳn người ta phải nghĩ ra rồi chứ, đâu đến lượt mình”.

“Còn các bệnh nhân bị hoại tử nữa, tấm ga giường với cơ thể họ đôi lúc luôn dính với nhau, làm sao đưa ga ra mà không khiến học đau đớn được”. Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu ông khi ông bắt đầu nghĩ đến chuyện tạo ra chiếc giường “thần kỳ”.

Cho tới 4 năm sau, ông mới giải quyết được vấn đề. “Ý nghĩ làm thế nào để tạo ra chiếc giường giúp người bệnh nằm bất động cứ quanh quẩn, ám ảnh trong tôi suốt mấy năm trời”, ông Bảo cho hay.

Động lực tạo ra chiếc giường càng mạnh mẽ hơn khi ông mãi mãi mất đi bà nội. “Năm 2003, bà nội tôi qua đời vì bệnh nặng, bà còn bị hoại tử, nên chỉ nằm được một chỗ, vì thế sức khỏe bà ngày càng kiệt quệ. Điều này thôi thúc tôi hơn bao giờ hết phải làm nên một điều thần kỳ nào đó”, ông Bảo nói.

Thời điểm ông tập trung nghiên cứu cách tạo ra chiếc giường, nhiều người nghĩ ông Bảo mắc chứng bệnh hoang tưởng. Ông bỏ mặc những lời nói đó mà tập trung vào công việc sáng chế. Cuối cùng ông cũng hoàn thành “điều không tưởng” khi phát hiện ra nguyên lý tạo ra chiếc giường giúp bệnh nhân không còn đau đớn khi thay ga giường vào năm 2007.

“Khi tìm ra nguyên lý, tôi giống như Archimedes từ trong nhà tắm lao ra, còn tôi thì la lối um sùm, vì suốt thời gian đó, tôi hầu như không thiết ăn, thiết ngủ nữa”, anh Bảo nhớ lại.

Ông Bảo cho biết, chiếc giường là sáng chế hoàn toàn mới, hoạt động của nó cũng không giống bất kỳ chiếc giường nào cả. “Khi tôi mới làm, gian nan không kể hết, tôi làm thử rồi thất bại, nhưng tôi chấp nhận hết và vẫn kiên trì tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề, vì tôi nghĩ đường đi của mình là đúng”, ông Bảo nói. Năm 2008, chiếc giường chống hoại tử cho người bất động hoàn thành.

Nguyễn Long Uy Bảo cho biết, chiếc giường ông tạo ra đã khắc phục nhược điểm của chiếc giường bệnh bình thường. Thay vì chiếc giường là một khối như trước, giường mới của ông chia thành hai nửa, và lắp ráp lại với nhau theo nguyên lý cài răng lược. Mỗi nửa chiếc giường có ga và đệm tương ứng.

Chiếc ga giường có hình dạng chiếc găng tay, còn đệm là những thanh nhỏ khớp với thanh của hai nửa giường, nên khi người chăm sóc thay ga hoặc làm vệ sinh, bệnh nhân vẫn nằm cố định bên nửa kia của giường.

“Chiếc giường vừa giúp mọi người thay ga dễ dàng, vừa chống được hoại tử cho người bệnh, mà chỉ cần một người phục vụ với động tác đơn giản”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho biết, đến nay ông đã bán ra thị trường vài chục cái giường, và mỗi lần như thế ông đều nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Không chỉ có ý định sản xuất và bán ở thị trường trong nước, ông Bảo còn muốn cung cấp sản phẩm ra nước ngoài. Hiện giá bán trong nước của chiếc giường là gần 10 triệu đồng.

“Tôi rất tự hào khi đây là sản phẩm của người Việt”, ông Bảo nói.

 

Theo VNE