Gươm ánh sáng và pháo phá hành tinh trong “Star Wars” có thể tồn tại?

Gươm ánh sáng và pháo phá hành tinh trong

Robot thông minh, gươm ánh sáng, phi thuyền bay nhanh hơn ánh sáng, vũ khí phá hủy cả hành tinh… là những công nghệ rất quen thuộc đối với người hâm mộ loạt phim “Star Wars”.

Trong vũ trụ Star Wars, những chú robot như R2-D2, C-3PO và BB-8 rất thông minh, gươm ánh sáng là vũ khí biểu tượng của các hiệp sĩ Jedi. Và Đế chế Thiên hà cũng như tổ chức phát xít The First Order sử dụng những hệ thống khổng lồ như Death Star và Starkiller Base để phá hủy cả hành tinh của đối thủ.

Những công nghệ như vậy có thể tồn tại trong cuộc sống đời thực? Trên CNN, chuyên gia vật lý Don Lincoln của Fermilab, tác giả một cuốn sách nghiên cứu về hạt Higgs, giải đáp thắc mắc của người hâm mộ.

Robot thông minh


Robot BB-8 thú vị và đầy cá tính.

Robot là công nghệ gần với đời thực nhất trong vũ trụ Star Wars. Tuy nhiên, ở Chiến tranh giữa các vì sao, các robot như C-3PO, R2-D2 và BB-8 không chỉ là người máy đơn thuần, mà có cá tính riêng biệt và những khả năng đầy ấn tượng.

Trong cuộc sống, công nghệ robot hiện tại chủ yếu được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp. Các kỹ sư quốc tế đã tạo ra một số người máy có vẻ ngoài giống người, có thể bắt chước cử động của con người. Và ngành khoa học quốc tế đang đạt được những tiến bộ to lớn về trí tuệ nhân tạo.

Do đó, nhiều khả năng trong tương lai xa, người máy do con người tạo ra có thể sẽ gây ấn tượng mạnh không kém gì các robot trong Star Wars.

Gươm ánh sáng


Những cuộc đọ sức bằng gươm ánh sáng là điểm hấp dẫn đặc biệt của Star Wars.

Gươm ánh sáng là thứ vũ khí mang tính biểu tượng của loạt phim Star Wars. Các hiệp sĩ Jedi sử dụng chúng để bảo vệ công lý và lẽ phải trong thiên hà. Đó cũng là vũ khí ưa chuộng của những chúa tể người Sith ác độc, chuyên sử dụng Thần Lực Bóng Tối để gieo rắc kinh hoàng.

Chuyên gia Lincoln cho biết một thanh gươm ánh sáng cần chứa ít nhất 20 megawatt điện, tương đương với lượng điện phục vụ khoảng 14.000 hộ gia đình ở Mỹ. Nguồn năng lượng khổng lồ đó được tích trữ trong một thiết bị bé xíu, nằm gọn trong tay một người.

Đến cả năng lượng hạt nhân cũng không thể đáp ứng được những đòi hỏi đó. Ngoài ra, nhiệt lượng khủng khiếp tỏa ra từ thiết bị này có thể thiêu cháy bàn tay của hiệp sĩ Jedi. Gươm ánh sáng thực sự rất “ngầu”, nhưng là điều không tưởng.

Phi thuyền bay nhanh hơn ánh sáng


Phi thuyền trong Star Wars bay nhanh hơn ánh sáng.

Trong Star Wars, các phi thuyền được trang bị “hyper drive”dễ dàng bay đến mọi hành tinh trong thiên hà. Đế chiến Thiên hà của hoàng đế Palpatine và Darth Vader kiểm soát cả thiên hà đó. Hãy lấy dải Ngân hà làm ví dụ. Nó có đường kính dài 100.000 năm ánh sáng. Nghĩa là ánh sáng với tốc độ 300.000 km/s phải mất 100.000 năm với đi hết dải Ngân hà.

Như vậy, các phi thuyền phải bay với tốc độ nhanh hơn ánh sáng rất nhiều mới có thể di chuyển tới các hành tinh trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng theo thuyết tương đối của Einstein, một hạt có khối lượng nghỉ khác 0 cần nguồn năng lượng vô hạn để đạt tới tốc độ ánh sáng.

Đơn giản đây là điều không thể xảy ra. Sẽ không có một thiết bị hyper drive nào tồn tại cả. Bạn có sống lâu như Yoda cũng không thể chờ đến ngày công nghệ cho phép di chuyển nhanh hơn ánh sáng trở thành hiện thực.

Death Star


Trạm không gian Death Star có khả năng phá hủy cả hành tinh.

Trong 3 tập Star Wars khởi đầu, Đế chế Thiên hà sản xuất trạm không gian Death Star (Ngôi sao Tử thần) có khả năng bắn laser phá hủy cả một hành tinh. Trong The Force Awakens, The First Order xây dựng căn cứ Starkiller Base trên một hành tinh, đủ sức bắn laser cùng lúc phá hủy vài hành tinh khác nhau.

Để phá nát một hành tinh cỡ Trái đất, Death Star phải thu thập nguồn năng lượng bằng tất cả những gì mặt trời phát ra trong vòng một tuần. Starkiller Base còn hùng mạnh hơn, hút cạn năng lượng của cả một ngôi sao (phát ra trong hàng tỷ năm).

Death Star và Starkiller Base phải trữ những nguồn năng lượng khổng lồ đó trong lòng chúng. “Đó là điều hoàn toàn điên rồ”, nhà vật lý Lincoln nhấn mạnh. Các chuyên gia Đại học Lehigh từng ước tính chi phí để xây một trạm không gian Death Star lên đến 852.000.000.000.000.000 USD, cao gấp 13.000 GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, người hâm mộ không thưởng thức Star Wars để được giáo dục về khoa học và công nghệ. “Đừng lo về chuyện khoa học, cứ thưởng thức thôi. Cầu Thần Lực phù hộ các bạn”, nhà vật lý Lincoln hài hước viết.

 

Theo Zing