Hà Giang: nhân giống thành công 4 loài thực vật hạt trần quí hiếm

Đầu năm 2006, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen quí hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn“. Đây là Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ nhằm bảo tồn và phát triển 4 loài thực vật hạt trần quí hiếm có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng đã được các nhà khoa học phát hiện tại xã Thài Phìn Tủng.

Thông đỏ bắc – Taxus chinensis(Ảnh: pinetum)

4 loài hạt trần quí hiếm được phát hiện tại xã Thài Phìn Tủng là: thông tre lá ngắn (Podopcarps pilgri), thông đỏ bắc (Taxus chinensis), dẻ tùng sọc nâu (Amentotaxus hatuyenensis) và hoàng đàn rủ (Cupressus funebris), được xác định có giá trị kinh tế và sinh thái đặc biệt cao.

Để bảo tồn và phát triển 4 loài thực vật quí hiếm này, ngoài việc tổ chức cho bà con các dân tộc sống trên địa bàn có 4 loài cây quí hiếm hiểu và có trách nhiệm tăng cường bảo vệ, không khai thác… các cán bộ Dự án đã thực hiện nhân giống những giống cây này. Trong số 4 loài cây hiện có ở Thài Phìn Tủng thì chỉ duy nhất có thông đỏ bắc được các nhà khoa học nhân giống bằng hom và thành công vào năm 1993. Còn lại 3 loài lần đầu tiên được nhân giống bằng hom thành công tại Thài Phìn Tủng.

Dự án đã đầu tư xây dựng ở Thài Phìn Tủng nhà giâm hom với diện tích 200 m2 và đầu năm 2006 các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật đã tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật thực hiện nhân gần 10.000 hom loài cây hạt trần quí hiếm. Qua theo dõi cho thấy sau 6 tháng, trên 90% số hom được nhân giống đã ra rễ với chiều dài từ 2 đến 3 cm. Đến cuối tháng 9 vừa qua, một số cành hom phát triển tốt đã được đem ra trồng dưới tán rừng và số cành hom còn lại sẽ được trồng vào vụ xuân năm tới.

 

Theo TTXVN, Tuổi trẻ