Hai chữ “học hành” biết bao đau khổ

Buồn nhất trên đời là gì?

Các cụ hay hát vui “em ơi có bao lâu, 60 năm cuộc đời” thì có đến 22 năm cuộc đời đã dành riêng cho việc học, ấy là chưa kể sau này ra đời đi làm vẫn còn phải học ti tỉ thứ khác, có người cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn học chưa hết. Nhìn chung, cái sự học chính là thứ đi theo con người ta cả đời, trong khuôn khổ than vãn của bài viết và sự trải đời của mình, tôi chỉ xin phép kêu khổ trong 22 năm học của tôi!

Từ lúc được nhìn thấy cuộc đời cho đến năm 3 tuổi. Ai cũng bảo trẻ con là sướng nhất chẳng phải lo nghĩ gì, thế nhưng ngẫm ra mới thấy giai đoạn này trẻ con toàn phải học những cái khó nhằn nhất của cuộc đời, học ăn, học bò, học lẫy, học đứng, học đi, học nói, học phân biệt đúng –sai. Thôi , kể ra thì thấy trẻ con cũng khổ lắm chứ chẳng sướng như mọi người vẫn tưởng đâu, nhưng vì ai cũng trải qua cái thời kì “sơ khai” đó rồi nên thôi tôi không ca thán nữa.

Buồn nhất trên đời là gì?

Giờ bàn đến giai đoạn mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3. Những giai đoạn học hành này thật là nan giải, lúc mẫu giáo thì nói chung chẳng có đứa trẻ con nào thích đi lớp cả, nhưng đến tuổi bố mẹ bắt đi thì phải đi, không ở nhà cũng chẳng có ai trông, cũng chẳng có ai chơi, thôi đành phải đi học vậy! Suốt ngày đánh nhau chí chóe với bọn cùng lớp ngồi bô, nghịch một tý thì cô giáo cho ăn đòn, dọa thả bể nước, sợ chết khiếp!

Thôi, rồi ai cũng phải lớn. Rồi lại hát bài “tạm biệt búp bê thân yêu…”để vào lớp 1. Khi bắt đầu tạm biệt cái lớp ngồi bô rồi tức là bắt đầu công cuộc trở thành “con nhà người ta” mà bố mẹ hằng mong. Bắt đầu giai đoạn này là giai đoạn tôi bị “nhồi” đủ thứ vào đầu. Nào là phải học để được học sinh giỏi, không học thì chỉ đi hót rác thôi con ạ, học giỏi để làm gì? Để làm mát mặt bố mẹ ạ! Để có bạn bè của bố mẹ đến nhà chơi hỏi “cháu học giỏi không?” thì bố mẹ còn có cái mà khoe, nên dù cho ti vi đang chiếu mấy bộ phim hoạt hình ruột của tôi, tôi vẫn phải cắm đầu vào mà học để trở thành “con nhà người ta” mà bố mẹ hằng mong.

Học nhiều, nhiều lắm! Học chính chưa đủ, tranh thủ học thêm, nhìn chung cái sự học của tôi chưa bao giờ ngừng nghỉ, dù là nghỉ hè. Cứ thế bẵng cái tôi lên cấp 3 với quả kính 3 đi ốp nhìn mặt đần cả ra!

Thời gian này tôi bắt đầu lại phải hoang mang trước cuộc đời thêm một lần nữa, vượt vũ môn và thi đỗ đại học, khổ nỗi là tôi học đều các môn, chẳng môn nào nổi bật, 12 năm học tôi đã ngán đến tận cổ, chưa một phút được nghỉ ngơi đầu óc. Mỗi khi thành tích học tập đi xuống, bố mẹ lại la rầy “có mỗi cái việc học mà không xong!”. Rõ ràng là bố mẹ ngày xưa cũng đi học, cũng hiểu nỗi vất vả của tụi học sinh là thế nào, có phải cứ đi học là sướng đâu! Ngày nào cũng nhồi nhét ti tỉ thứ kiến thức từ vi mô đến vĩ mô vào đầu, tai này chưa thủng đã phải nghe tai kia, rồi các môn thể thao, năng khiếu phát triển thể chất! Nói thật, làm học sinh là khổ nhất chứ chẳng sướng gì đâu! Nhưng như lời bố mẹ nói, nếu không học thì sẽ không có nền tảng, không có nền tảng thì không có tương lai, vậy là phải học – học – và học!

Bắt đầu đến giai đoạn chọn khối thi để ôn luyện, nghe tư vấn từ gia đình, tự vấn lòng mình thích gì (nói thật lúc ấy tôi chả muốn học gì cả, chỉ muốn cho đầu óc nghỉ ngơi thôi) sau đó như bao đứa học sinh cấp 3, đứa thì theo lời bố mẹ, đứa có định hướng hơn thì biết chọn trường, còn lại thì chọn bừa vì đằng nào chả trượt!

Hai chữ 'học hành' biết bao đau khổ

Kì thi đại học trôi qua, bao cảm xúc vỡ òa ào đến, giai đoạn 12 năm triền miên giờ được nghỉ ngơi một tý thì cũng không yên thân, lại nhấp nhổm, thấp thỏm chờ kết quả thi rồi khóc cười, trượt thì lại ôn năm sau thi tiếp, đỗ thì vui lắm vì mát mặt gia đình rồi…lại hùng hục học – học – và học!

Vậy đấy, bao nhiêu năm học xong, cầm cái bằng ra trường và cái kết thì phần lớn là bi thảm: Thất nghiệp! Lý do thì nhiều, ai cũng nhìn thấy những bất cập trong giáo dục của nước nhà, nặng về lý thuyết và cực kì yếu về các kĩ năng. Ra trường, ngoài một mớ lý thuyết nhồi nhét 22 năm, các ông bà cử cứ ngáo ngơ trước những nhà tuyển dụng, kinh nghiệm bằng 0, kĩ năng bằng 0 ngoài một tấm bằng đại học.

Buồn, buồn lắm! Có anh văn sĩ bảo “đời về cơ bản là buồn!” tôi công nhận, cái đời tôi tính đến thời điểm này, buồn nhất là cái sự học, học mãi mà vẫn chẳng thấy đâu vào đâu!

Huy Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.