Cuộc nghiên cứu của trường đại học Alberta cho biết hải ly có thể giúp giảm bớt những ảnh hưởng của hạn hán và không nên chuyển chúng ra khỏi những vùng đất ngập nước vì sự phát triển dân cư và công nghiệp.
Theo một cuộc nghiên cứu mới của Đại học Alberta, tuy hải ly có thể được xem như là động vật có hại nhưng chúng có thể giảm bớt đi những ảnh hưởng của hạn hán, và do đó cần tránh việc chuyển chúng ra khỏi những vùng đất ngập nước để đáp ứng nhu cầu về công nghiệp, nông nghiệp và đô thị.
Glynnis Hood – người đứng đầu cuộc nghiên cứu và một giáo sư phụ tá ngành Khoa học Môi trường ở khu Augustana Đại học Alberta tại Camrose, Canada cho biết: “Việc di dời hải ly cần được xem như là một hành động làm xáo trộn môi trường ngang hàng với việc bồi đắp, khai thác than bùn và khai thác nước công nghiệp.”
(Ảnh: Glynnis Hood, Đại học Alberta) |
Trong việc kiểm nghiệm cách thức hải ly ảnh hưởng đến một số vùng đất ngập nước của Alberta tại công viên quốc gia đảo Elk trong thời gian hơn 54 năm qua, Hood và đồng điều tra viên của cô là giáo sư Suzanne Bayley đã khám phá ra rằng sự hiện diện của hải ly và những đập ngăn nước của chúng tăng lên gấp 9 lần lượng nguồn nước mở.
Những mô hình thời tiết dự đoán phạm vi ảnh hưởng của hạn hán ở các khu vực Bắc Mỹ sẽ tăng lên ở tần số và độ dài trong vòng hơn 100 năm tới, và hải ly gần như sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn nước mở và giảm bớt đi sự ảnh hưởng. Việc bồi đắp và tiêu nước của những vùng đất ngập nước đều được tăng cường để chuẩn bị cho việc mở rộng đô thị và công nghiệp, và các đàn hải ly đang được di dời cả ở ngoài và trong những khu vực được bảo vệ, điều này có nghĩa là vẫn tiếp tục nguy cơ thiếu nguồn nước, Hood ghi nhận.
Hood cho biết: “Trong những lần gặp hạn hán, hải ly có thể là một trong những cách hữu hiệu nhất để giảm bớt việc thiếu vùng đất ngập nước. Một số người cho rằng thời tiết lèo lái mọi thứ, nhưng sự hiện diện của hải ly có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với nguồn nước mở của một vùng. Hải ly giúp giữ nước ở những vùng sẽ bị khô hạn.” Thậm chí trong suốt cuộc hạn hán, vùng nào có mặt của hải ly thì sẽ có 60% nguồn nước mở hơn những vùng trong suốt thời kì hạn hán trước đó không có hải ly.
Nghiên cứu được công bố mới đây trên phiên bản trực tuyến tờ Biological Conservation (Bảo tồn sinh học) cũng cho thấy rằng nhiệt độ, lượng mưa và những thay đổi khí hậu khác ít quan trọng hơn hải ly trong việc duy trì những khu vực có nguồn nước mở ở những vùng đất ngập nước của rừng gỗ hỗn hợp phía bắc.
Vai trò của hải ly trong việc giữ nguồn nước mở rất quan trọng vì một số nguyên do. Sự ngập tràn do các đập ngăn nước của hải ly gây ra cung cấp nơi cư trú và nguồn nước cho các động vật đất liền và lưỡng cư, và thậm chí cung cấp cả nước cho gia súc. Việc ngập nước này còn có thể nạp lại nguồn dự trữ nước ngầm.
Theo Thanh Tâm (Physorg, Sở KH & CN Đồng Nai)