Quỹ cứu trợ động vật quốc tế (IFAW) cho biết, một nhóm thợ săn đến từ Sudan đã giết hàng trăm chú voi để lấy ngà tại Công viên quốc gia Bouba Ndjida ở phía Bắc Cameroon, gần biên giới với Chad.
>>>Voi Sumatra đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng
IFAW tuyên bố trên trang web của họ: “Tối thiểu 100 xác voi đã được tìm thấy trong công viên vào tháng trước và những vụ săn bắn vẫn diễn ra làm cho chúng tôi không thể thực hiện một cuộc điều tra kĩ càng, cụ thể. Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều xác voi được tìm thấy trong những vùng chưa được thăm dò tại Bouba Ndjida”.
Tổ chức này còn cho biết thêm, rất nhiều voi con đã trở nên mồ côi sau những vụ săn bắn trên và có thể chúng cũng sẽ chết sớm vì đói khát.
IFAW cho biết: “Việc săn bắn trộm tại Cameroon đang đe dọa nghiêm trọng tới số lượng loài voi tại đây”.
Đại diện của IFAW là bà Celine Sissler-Bienvenu chỉ ra rằng, việc những nhóm thợ săn trang bị đầy đủ vũ khí vượt biên từ Sudan sang đây trong mùa khô để săn voi lấy ngà là rất phổ biến.
Bà nói: “Cuộc thảm sát này thật quá kinh hoàng và trước nay chưa có vụ nào có thể so sánh được”.
Bà Sissler-Bienvenu cho biết thêm: “Ngà voi sau đó sẽ được tuồn sang phương Tây và Trung Phi để bán cho các thị trường châu Á và châu Âu, và tiền thu về sẽ được dùng để trang bị vũ khí cho những cuộc chiến tranh vùng miền, vốn thường xuyên diễn ra tại Sudan và Cộng hòa Trung Phi”.
IFAW cũng tiết lộ rằng, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu và Mỹ đã gióng hồi chuông cảnh báo và yêu cầu chính quyền Cameroon đưa ra những hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng này.
Đại diện của IFAW nói rằng, câu trả lời duy nhất chỉ có thể là chấm dứt nguồn cầu mua ngà voi, nhất là tại châu Á và đảm bảo những tổ chức bảo tồn tại những vùng bị đe dọa được trang bị đầy đủ dụng cụ, kĩ năng cần thiết để chống lại những băng săn trộm chuyên nghiệp.
Bà Bienvenu tuyên bố: “Kể từ năm 2009, IFAW đã tổ chức huấn luyện và hỗ trợ cho các kiểm lâm, tổ chức bảo tồn chống lại nạn săn trộm tại các nước Trung Phi, nơi thường phải đối mặt với việc buôn bán ngà voi dã man và bất hợp pháp. Điều mà những quốc gia tại châu lục này cần vào thời điểm hiện tại là cam kết của cộng đồng quốc tế trong hỗ trợ tài chính để họ có đầy đủ nhân lực, dụng cụ nhằm phục vụ cho việc bảo vệ loài voi”.
Theo Vietnam+