Mực nước biển tăng sẽ khiến hàng triệu người ở châu Á – Thái Bình Dương có thể bị mất nhà sau 65 năm nữa. Trong đó, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và các hòn đảo Thái Bình Dương là có nguy cơ cao nhất.
(Ảnh: atmosphere.mpg.de) |
Bản báo cáo về sự thay đổi khí hậu do Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp thịnh vượng chung (CSIRO) thực hiện đã cho thấy hiện tượng trái đất ấm lên ở vùng châu Á Thái Bình Dương có thể làm mực nước biển tăng lên 16 cm vào năm 2030 và 50 cm vào năm 2070.
Nhiệt độ tăng cũng làm gia tăng lượng mưa trong mùa hè và gây ra những trận bão nhiệt đới ác liệt, nhấn chìm các khu làng ven biển.
“Vùng ven biển của các quốc gia châu Á Thái Bình Dương là dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự thay đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng mặt biển dâng cao do nhiệt độ toàn cầu tăng”, bản báo cáo được đưa ra hôm qua viết.
Mực nước biển tăng lên khoảng 30-50 cm sẽ ảnh hưởng tới hơn 100.000 km bờ biển, đặc biệt là vùng đồng bằng Trung Quốc và Bangladesh.
Bản báo cáo còn cho biết, mặt biển dâng cùng lượng mưa tăng sẽ phát tán bệnh truyền nhiễm trong cả khu vực, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ bị sốt rét và sốt xuất huyết. Các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sự bất ổn về nước sạch và lương thực.
Bản báo cáo kêu gọi các quốc gia phải ngăn chặn sự biến đổi khí hậu bằng cách tham gia hiệp ước Kyoto cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
M.T.
Theo Reuters, Vnexpress