Từ thuyết tương đối, hình học tọa độ đến chiếc lò vi sóng hay miếng giấy ghi nhớ… đều mang trong nó một câu chuyện thú vị về hành trình “tìm ra rồi” của các nhà khoa học.
Lò vi sóng
Năm 1947, lò vi sóng lần đầu tiên chính thức ra đời.
Lò vi sóng ra đời rất tình cờ khi nhà phát minh Spenser nhận thấy thanh kẹo của ông bị chảy ra khi ông đứng gần một đài radar. Với kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật, ông hiểu rằng chính luồng sóng điện từ của cỗ máy đã làm tan chảy thanh kẹo. Từ đó, ý tưởng về một chiếc máy làm nóng thức ăn bằng các sóng điện từ đã nhen nhóm trong đầu của Spenser. Năm 1947, lò vi sóng lần đầu tiên chính thức ra đời.
Giấy ghi nhớ
Giấy ghi nhớ được Spencer Silver tìm ra khi đang cố phát minh một loại chất dính tốt nhưng không được.
Cố phát minh ra một loại chất dính tốt nhưng lại chỉ tìm ra loại keo có độ dính yếu, Spencer Silver cho mình là vô dụng. Tuy nhiên, đồng nghiệp của ông tại công ty 3M là Arthur Fry đã chứng minh điều ngược lại, ông dùng loại keo đó để dính mẩu giấy đánh dấu các trang sách. Trong một lần đi nhà thờ, cách làm của Fry đã thu hút sự chú ý của nhiều người, từ đó giấy ghi nhớ đã trở nên phổ biến.
Khóa dính Velcro
Khoá dính Velcro ra đời khi George de Mestral thấy nhưng bông hoa dính vào quần áo của mình có sợi tua hình cái móc.
Một ngày đẹp trời, nhà phát minh George de Mestral đi dạo cùng chú chó của mình trong một cánh rừng gần nhà. Khi quay về, quần áo ông bị dính đầy những bông hoa cỏ. George tự hỏi điều gì khiến chúng dính quá chặt vào quần áo như thế. Đặt một bông hoa dưới kính hiển vi, ông thấy mỗi bông cỏ đều có sợi tua hình cái móc, nhờ thế đã khiến chúng dễ dàng dính chặt vào quần áo. Ý tưởng về chiếc khoá dính Velcro đã ra đời từ đó và được ứng dụng rất nhiều trong thời trang.
Vô tuyến truyền hình
Philo Farnswort nảy sinh ý tưởng về vô tuyến truyền hình khi làm việc trên cánh đồng táo.
Philo Farnswort nảy sinh ý tưởng về vô tuyến truyền hình khi làm việc trên cánh đồng táo. Những luống cày trên ruộng làm ông nghĩ tới một cỗ máy có thể ghi lại hình ảnh và hiện tín hiệu điện tử có thể quét được hình ảnh. Năm 1927, ông nghiên cứu và tạo ra một chiếc vô tuyến truyền hình điện tử đầu tiên.
Hình học toạ độ
Hình học tọa độ ra đời khi Descartes mô tả chính xác tọa độ bay của con ruồi.
“Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”, câu nói tiếng nổi tiếng của Descartes thường được mọi người nhớ nhiều hơn là phát minh hình học toạ độ của ông. Tuy nhiên, khái niệm hình học của Descartes được nhân loại sử dụng nhiều hơn cả. Từng là đứa trẻ ốm yếu, suốt ngày chỉ nằm trên giuờng nên Descartes để ý và theo dõi một con ruồi bay lượn trên đầu mình. Bằng trí thông minh vốn có, ông miêu tả một cách chính xác toạ độ bay của chú ruồi bằng việc chú ý vào đường bay của nó từ tường qua trần nhà. Từ đấy, hình học toạ độ ra đời. Giờ đây, hình học tọa độ là môn học không thể thiếu trong chương trình giảng dạy của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là nền tảng cho nhiều kiến thức khoa học khác.
Archimedes và Vương miện vàng
Có lẽ Archimedes không phải là người đầu tiên phấn khích khi tìm ra một phát minh nào đó. Nhưng lịch sử ghi nhận ông là người đầu tiên nói câu “Eureka” (tìm ra rồi). Câu chuyện bắt đầu khi Vua Hiero II, Hy lạp, nghi ngờ chiếc vương miện của mình không được làm từ vàng. Archimedes được giao tìm hiểu sự thật với điều kiện không làm hư hại chiếc vương miện kia.
Archimedes nổi tiếng với câu nói “Eureka” (tìm ra rồi).
Một lần, ông mang theo chiếc vương niệm vào bồn tắm và phát hiện có thể kiểm tra chiếc vương miện bằng khối lượng nước nó chiếm. Nếu vương miện được làm từ một chất khác thì khối lượng nước sẽ ít hơn so với việc nó làm hoàn toàn bằng vàng. Trong lúc sung sướng, ông chạy đi báo với đức vua trong tình trạng không một mảnh vải che thân.
Truyền dẫn hoá học xung điện thần kinh
Năm 1900, các nhà khoa học đã lần đầu tiên đề xuất triển khai ý tưởng truyền dẫn hóa học của xung điện thần kinh, tuy vậy, ý tưởng vẫn còn là một giả thuyết. Đến năm 1920, một đêm gần dịp lễ Phục sinh, nhà khoa học Otto Loewi mơ một giấc mơ kỳ lạ: ông đã có thể chứng minh phương pháp thực nghiệm về truyền dẫn hoá học xung điện thần kinh.
Ngay lập tức, ông đã bật dậy, phấn chấn lấy giấy bút viết nguệch ngoạc vài con chữ rồi tiếp tục đi ngủ. Vậy mà, khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, ông không thể hiểu nổi mình đã viết hay vẽ cái gì. Đến tối hôm đó sau, ông lại có cùng giấc mơ tương tự và lần này ông không ngủ tiếp mà ghi chép cẩn thận hơn công thức của mình. Nhờ phát hiện này mà Loewi nhận được giải thưởng Nobel về sinh lý y học năm 1936.
Thuyết tương đối
Một lần dừng xe tại cột đèn giao thông gần tháp đồng hồ Bern, nhà bác học Einstein tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc mà bấy lâu nay ông băn khoăn về thuyết tương đối. Mối quan hệ giữa chiếc xe – cột đèn giao thông và chiếc xe với tháp đồng hồ là minh chứng rõ ràng nhất cho tính tương đối và tuyệt đối của thời gian. Từ đó nhà khoa học rút ra kết luận: Thời gian không phải bất biến mà nó phụ thuộc vào tốc độ mà bạn di chuyển.
Theo ngaynay