Tôi đọc ở rất nhiều những cuốn sách về thuật làm vừa lòng người khác, những bài viết trên các trang báo dành cho phụ nữ, những bài chia sẻ mà các chị em hàng ngày vẫn chia sẻ trên mạng như một bí kíp để “đạt lòng người”. Đọc được những điều hay, lựa chọn, học theo và biến nó trở thành thứ vũ khí thu phục lòng người thì bạn quá giỏi. Nhưng phải thừa nhận một điều rằng, việc bạn cố gắng để trở thành “hoa hậu thân thiện” trong mắt mọi người, đôi khi sẽ khiến bạn đánh mất một thứ gì đó hoặc bổ sung một điều gì đó không thuộc về mình. Cái bạn đánh mất có lẽ là sự chân thật của chính bạn, và cái bạn học thêm được có là cách đeo mặt nạ để phù hợp với tất cả mọi người. Sự lựa chọn ấy có thể đúng, có thể sai, chính bạn sẽ là người trải nghiệm nó. Với tôi, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn khi tôi biết rằng có ai đó đang ghét tôi, bởi vì tôi chấp nhận điều ấy sau nhiều lần cố gắng hoà giải cái mối “hận tình” chẳng biết vì đâu ấy.
Hồi tôi mới đi làm ở môi trường công sở, tôi bị vài đồng nghiệp không ưa ra mặt. Bản thân tôi khi ấy xét về tiêu chí ngoại hình và năng lực làm việc không thua bất cứ một người nào, cho dù tôi mới ra trường nhưng kinh nghiệm làm việc bán thời gian của tôi và những dự án khi tôi làm tự do cũng đủ để công ty có cái nhìn thiện cảm và hay giao việc khó để tôi chứng minh khả năng của mình.
Biết mình là “ma mới” và cũng kinh qua vài lần làm việc nhóm với các nhóm khác nhau từ hồi đại học, tôi luôn cố gắng tỏ ra nhún nhường khi được đồng nghiệp chỉ dạy, thậm chí có cần, đồng nghiệp của tôi nói sai bét một vấn đề mà tôi rất hiểu, tôi vẫn cố gắng như không hề hiểu về vấn đề ấy, dù sau đó, một cô đồng nghiệp vào làm cùng tôi đã ghé tai tôi nói xấu hết lời “ma cũ” dốt mà hay nói chữ kia, tôi vẫn im lặng. Vì tôi biết, nếu mình hùa theo hoặc phản bác lại ý kiến của đồng nghiệp, lập tức “bức vách có tai”, sẽ có những chuyện nhiêu khê không cần thiết. Tôi chỉ thích yên bình ở môi trường công sở và làm việc hết mình mà thôi.
Thế nhưng, cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng. Cô “ma mới” vào làm cùng tôi bỗng dưng dựng chuyện rằng tôi đã cười đểu và khinh thường chị “ma cũ” khi chị ấy nói sai bét về những thuật ngữ chuyên môn, thứ mà tôi rất rõ. Một dòng tin nhắn dài đến trang giấy gửi vào hòm thư trên facebook mắng như tát nước vào mặt tôi “rằng tôi chỉ là một con ranh con nứt mắt mới ra trường, chân ướt chân ráo về đây mà đã láo toét không coi ai ra gì, không biết trên dưới ra sao? Sẽ có ngày trắng mắt ra!”.
Tôi đọc xong những dòng ấy mà hoảng hồn, buồn và cảm thấy khó chịu kinh khủng. Cơn tức giận bùng lên, tôi muốn phản hồi ngay với chị ta rằng tôi không nói thế, tôi muốn 3 mặt 1 lời nhưng tôi nén lại, đến tận bàn và yêu cầu nói chuyện riêng với chị ta. Chị ta mặt sưng mày xỉa không thèm đoái hoài gì đến lời nói của tôi, lúc này tôi mới viết cho chị dăm ba câu chẳng phải thanh minh cũng chẳng phải giải thích, đại ý là tôi không rỗi hơi để đưa chuyện vớ vẩn, tôi đến đây để làm việc, không phải để buôn chuyện, lắm lời.
Một phút sau đã thấy 1 status chửi đổng ngay trên facebook của chị ta. Các đồng nghiệp chẳng biết nội tình đúng sai ra sao, thấy chị ta oan Thị Màu thì cũng nhảy vào bênh vực rồi chửi “cái con ranh nào đấy” sẽ có ngày gặp báo ứng. Tôi ức lắm nhưng vì chị ta viết ám chỉ, tôi nói thì chắc chắn chị ta sẽ hả hê nói tôi có tật giật mình nên tôi im lặng.
Đi làm, cũng có những anh chị đồng nghiệp rất thân thiện và quý mến tôi, bên cạnh đó thì vài cô cùng tuổi xúm vào bài xích, chơi trò ném đá giấu tay nhưng tôi kệ. Bản thân tôi thấy mình chẳng làm gì sai thì tại sao tôi lại phải khó chịu vì điều ấy? Nói thực, thời gian đầu khi bị hiểu lầm, tôi chỉ muốn thanh minh, nhưng tôi nhận ra khi họ đã không ưa mình thì dù mình có nói trăm nghìn lời, với họ vẫn chỉ là lời nguỵ biện. Vì thế, cho dù là trong lòng cảm thấy rất khó chịu, nhưng tôi cố gắng học cách chấp nhận một điều rằng: Họ không phải là người hiểu bạn, và họ không có nghĩa vụ phải hiểu bạn. Sẽ có những người ghét bạn, vì họ không ưa bạn, dù bạn cố gắng ra sao, thì họ vẫn ghét bạn như thế.
Vậy điều mà bạn cần phải làm là gì? Là kệ họ! Hãy mặc kệ những người ghét bạn, thay vào đó, hãy đối xử tốt với những người mà bạn yêu quý và họ cũng yêu quý bạn. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn việc chăm chăm nghĩ về những người ghét bạn và thậm chí bực bội về họ.
Làm việc chung một văn phòng, không tránh khỏi chuyện va chạm, mâu thuẫn. Nếu bạn là người có tố chất, năng lực hơn người thì điều đó càng khiến bạn trở thành cái gai trong mắt người khác. Điều bạn cần làm là bơ đi, hít một hơi thật sâu và thở ra từ từ, mỉm cười với những người yêu mến bạn, thận trọng với những người ghét bạn, bởi vì họ sẽ luôn cảm thấy bạn rất “ngứa mắt”, rất đe doạ vị trí của họ. Chẳng cần làm gì cả, hãy cứ thận trọng và làm đúng, sống thẳng thắn, bạn sẽ cảm thấy việc có ai đó ghét bạn ở nơi làm việc chẳng phải là chuyện gì to tát. Tại sao bạn lại phải quan tâm đến mấy chuyện vặt vãnh đó trong khi có số đồng nghiệp còn lại yêu mến bạn rất nhiều?
Phượng Ớt
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.