Đối với trẻ con, sự vật xung quanh chứa đựng rất nhiều điều mới mẻ và chúng có nhu cầu khám phá. Nhưng với bản tính ngây thơ, chúng chưa nhận thức đầy đủ những hệ quả có thể gây ra của mỗi hành động. Vì vậy, việc chúng phạm lỗi là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, có nhiều ông bố, bà mẹ lại muốn hành động của con cái cũng phải chỉn chu như người lớn. Họ trông chừng con từng ly, từng tí, thậm chí làm thay con mọi việc, cốt sao cho con không phạm lỗi và lấy thế làm tự hào. Họ không hiểu rằng, bố mẹ giới hạn con khám phá thế giới cũng chính là bố mẹ đã hạn chế sự phát triển tự nhiên của con. Vì thế, tốt nhất, bố mẹ nên để con tự do chơi đùa. Nếu con phạm lỗi thì chúng ta cũng không nên lo lắng. Bởi lẽ, chơi đùa và phạm lỗi chính là một phần trong tuổi thơ của con. Những sự việc như vậy sẽ giúp chúng trưởng thành hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần có sự uốn nắn để con biết rút kinh nghiệm.
Nên phạt hay không?
Khi con phạm lỗi, mỗi người mẹ sẽ có một cách xử sự khác nhau. Có người chậc lưỡi bỏ qua cho bé vì nghĩ rằng: “trẻ con mà”, cũng có người la mắng bé đến lúc bé thấy sợ mà không tái diễn hành vi. Thực ra, cả hai cách trên đều không ổn. Những lời la mắng không chỉ làm tổn thương bé mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, trong tâm trạng căng thẳng với con, bạn cũng sẽ không đủ bình tĩnh để giải thích cho con là bé sai chỗ nào. Việc la mắng nếu có đem lại hiệu quả thì chỉ là ở việc làm cho bé sợ mà không tái diễn hành vi. Nhưng nếu một ngày bé không sợ nữa thì chúng sẽ không còn tác dụng. Còn nếu bạn bỏ qua cho bé, bé sẽ cho rằng hành vi của bé là đúng và sẽ tái diễn với mức độ trầm trọng hơn. Vậy thì, đã đến lúc, bạn cần uốn nắn bé theo cách khác.
Phạt sao cho đúng
Trước hết, chúng ta không nên nghĩ rằng, trẻ con chưa có nhiều suy nghĩ phức tạp như người lớn mà phạt con đến mức xúc phạm thể chất và tinh thần của bé mỗi lần bé phạm lỗi. Mục tiêu của việc phạt là để con không tái phạm hành vi, nhưng cơ sở của sự không tái phạm này không phải dựa trên sự sợ hãi của bé mà là làm cho bé nhận ra điều chưa đúng.
Trẻ con mặc dù chưa ý thức được như người lớn về tác động của sự xúc phạm, nhưng chúng biết sợ hãi, biết yêu, ghét và bắt đầu hình thành ký ức. Có thể, sự xúc phạm của người lớn sẽ hằn vào ký ức và nếu lâu dài sẽ tạo nên sự lệch lạc trong phát triển nhân cách. Do đó, phạt bé sao cho đúng là điều không đơn giản.
Tôi đã được chứng kiến cảnh chị hàng xóm phạt con và thấy rất tâm đắc với cách cư xử của bà mẹ này. Thằng bé xin tiền mẹ đi học thêm nhưng lại trốn học để đi chơi game. Thay vì vào tiệm game la mắng và lôi con về, chị kiên trì đứng ở bên ngoài, chờ nó chơi xong rồi hai mẹ con cùng về. Đến nhà, chị nói rằng, chị sẽ phạt nó ba roi vì ba cái lỗi: thứ nhất là nói dối, thứ hai là trốn học, thứ ba là đi chơi game. Rồi chị giải thích cho nó tại sao không nên làm như thế và hỏi nó là: “Mẹ phạt con như thế con có đồng ý không?”. Nó mếu máo nhận sai, xin lỗi mẹ và hứa lần sau không tái phạm, xin mẹ đừng đánh đau. Chị bảo: “Mẹ không đánh đau, nhưng mẹ sẽ đánh để con nhớ, lần sau không tái phạm”. Sau lần đó, tôi thấy thằng bé ngoan ngoãn hẳn, chăm chỉ học hành và đặc biệt là không thấy nó bước chân vào tiệm game.
Lại nghĩ, trong trường hợp chị hàng xóm của tôi, nếu chị đánh con đau mà không một lời giải thích, thì có thể nó sẽ nghĩ rằng: “Chơi game cùng lắm là bị mẹ đánh ba roi thôi”. Nhưng cách ứng xử vừa ôn tồn, vừa nghiêm khắc của chị đã làm cho con thấy được sai mà sửa.
Còn chị họ tôi lại phạt con theo cách khác. Có một lần, đến giờ ăn cơm, cả nhà đã ngồi vào bàn mà con bé vẫn chơi đùa làm đổ xô nước lau nhà ra sàn. Thế là, chị bắt nó tự đi lấy giẻ lau sạch. Chị còn chỉ cho nó tại sao không được đổ nước ra sàn, cách lau thế nào để vừa nhanh vừa sạch. Con bé vui vẻ vâng lời và cũng học được một kỹ năng quan trọng. Cách mà chị họ tôi áp dụng như trên chính là việc buộc bé phải khắc phục hậu quả do hành vi sai của bé gây nên. Cách này không chỉ giúp bé nhận ra lỗi của mình mà còn rèn luyện cho bé tính tự giác, lại hoàn toàn không gây áp lực cho bé.
Kết:
Trẻ con với bản tính hồn nhiên, thích khám phá, việc phạm lỗi là điều không tránh khỏi. Vì thế, bạn hãy coi việc phạm lỗi chính là một phần tuổi thơ của bé chứ không phải là vấn đề đáng căng thẳng hay lo ngại. Bạn có thể phạt con lúc con phạm lỗi nếu thấy điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, mục tiêu của việc phạt con cần xác định là để con hiểu ra hành động sai mà lần sau không tái phạm. Nếu bạn biết cách chiều con và phạt con, hẳn là những lần phạm lỗi cũng trở thành kỷ niệm đẹp, không thể nào quên trong cuộc sống của con sau này.
Tuyết Nhung
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.