Hãy để dành cho con một “tài khoản” hạnh phúc

Đừng chỉ tiền bạc, hãy để dành cho con một

Chồng tôi rất băn khoăn về việc mua bảo hiểm cho con gái mình. Anh bảo, anh cần phải chắc chắn rằng khi lớn lên, con gái sẽ có một khoản tiền thực hiện những ước mơ của nó. Chồng tôi kể, hồi anh bắt đầu tự lập, vì gia đình khó khăn nên anh đã đành lòng dừng lại rất nhiều ước mơ, dự định của mình.

Tôi cười, bảo với chồng tôi rằng, cảm ơn số phận đã cho ông chồng tôi dừng lại những ước mơ, dự định từ hồi xa lắc ấy. Nếu không, có thể bây giờ anh ấy đang ở nước ngoài và tôi không thể có ông chồng tốt như hiện tại. Chồng nhìn tôi, chớp mắt liên tục vì ngạc nhiên. Anh bảo, anh chưa thấy cô vợ nào sung sướng như tôi khi chồng không thực hiện được những ước mơ của mình. Tôi cũng “trợn mắt” lên, nhìn thẳng vào anh ấy, hỏi rằng, anh nghĩ việc sống ở đây, kết hôn với em và sinh ra cô con gái “bắng nhắng” của chúng ta là một điều thất bại hay sao?

Đừng chỉ tiền bạc, hãy để dành cho con một

Chồng tôi phì cười. Anh bảo, tôi nói đúng. Dù gì đi chăng nữa, anh cũng biết ơn số phận đã cho anh có được một gia đình hạnh phúc. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với anh như thế. Dù rằng tôi và anh đều không phải là những người vợ/ người chồng lý tưởng nhất trên đời, nhưng hạnh phúc mà chúng tôi đang có cũng đủ khiến chúng tôi thấy cuộc đời rất đẹp. Khi biết rõ là cuộc đời của mình đang rất đẹp, người ta sẽ biết ơn cuộc sống rất nhiều. Biết ơn tất cả những điều đã đến và tồn tại nơi này, trong cuộc đời ta. Có vẻ như một khoản tiền bảo hiểm không hẳn là quan trọng. Bởi vì, dù nó có hay không, cũng chỉ tồn tại với tư cách là tiền thôi. Sao không thể cho con một khoản “bảo hiểm” khác, tích lũy bằng niềm vui, hạnh phúc và lòng tin. Và nếu buộc phải chọn lựa, tôi vẫn tin, tài khoản hạnh phúc, tài khoản lạc quan, tài khoản bình an khi cuộc đời giông bão mới chính là những tài khoản quan trọng nhất để con tôi thành đạt. Bởi lẽ, cuối cùng, mọi sự thành đạt cũng chỉ ở chỗ, biết sử dụng đúng cách những gì mình đang có và thu hoạch được một nụ cười thanh thản cuối ngày. Bất kể, đó là người nông dân hay người tỷ phú.

Tôi biết, có rất nhiều người vẫn một mực cho rằng lòng tin, hạnh phúc… là quan trọng thật nhưng thiếu tiền thì không thể làm gì. Họ cảm thấy những người luôn khẳng định tầm quan trọng của hạnh phúc, của trạng thái vô tư, tự tại… là những người sống lý thuyết và có phần ảo tưởng. Rằng nếu được cân đong, nhất định họ sẽ lựa chọn những điều kiện thực tế, những cơ hội vật chất, tiền bạc trước khi xem xét đến cơ hội tinh thần. Thậm chí vô số người cảm thấy nếu điều kiện vật chất, tiền bạc không được đảm bảo thì hầu như những lợi lạc về tinh thần sẽ khó mà chạm đến. Họ cho rằng ngay cả việc mong muốn con cái nên người mà không có tiền để con học trường tốt, thầy tốt, học ở nhà trường có cơ sở vật chất hiện đại thì con sẽ khó để phát triển khả năng.

Đừng chỉ tiền bạc, hãy để dành cho con một

Chính bản thân tôi cũng đã từng nghĩ như vậy rất lâu. Tôi biết, tiền bạc cần trong cuộc đời này giống như việc người xưa đi trên đường phải có tay nải vậy. Đói rét hoặc bất kỳ sự khó khăn nào đó, ta cần phải huy động đến những thứ đã tích trữ trong đó để dùng ngay. Nhưng cái tay nải ấy to chừng nào là đủ? Đựng bao nhiêu là vừa? Liệu số tiền ta để dành cho con, thực sự là vì những nhu cầu của con hay chỉ vì cảm giác đắc thắng và so bì của ta? Ngay cả khi con trẻ của ta, khi trưởng thành, nói rằng nó mong có rất nhiều tiền thì cũng không có nghĩa là ta cần đáp ứng cho đầy đủ những kỳ vọng của con. Thực ra, sự thu xếp với những gì đang có mới là một kỹ năng cần tích lũy vô tận, chứ không phải tiền. Bản thân ta hoặc đứa trẻ của ta luôn cho rằng nếu có đủ tiền để kinh doanh, để du học, để thực hiện điều này hay điều khác sẽ tốt cho mình hơn là hiện tại. Nhưng ta có chắc chắn khi có tiền để làm điều đó, ta sẽ làm tốt hoặc ta sẽ sống vui? Hơn nữa, khoản tiền nào là đủ cho biết bao nhiêu là dự định trong ta?

Thật khó để thuyết phục ai đó rằng một cuộc sống giản dị với sự trân trọng những phút giây hiện tại luôn tốt và dễ dàng thực hiện hơn một cuộc sống nhiều toan tính. Thật khó để ai đó tin rằng họ hoàn toàn có thể trở lại vui vầy với những gì mình đang có. Hình như bởi con người luôn được lập trình với muôn ngàn những điều lo nghĩ, sợ hãi khác nhau. Và khi những sợ hãi ấy xảy đến thì trăm ngàn những lo âu trước đó cũng chẳng hề thay đổi được gì.

Hãy để dành cho con một 'tài khoản' hạnh phúc

Tôi đã lớn lên ở thành phố, tôi không biết làm gì ngoài học, và bố mẹ tôi cũng nghĩ y như chồng tôi bây giờ, rằng con cái phải học thật chăm chỉ, còn bố mẹ sẽ lo tích lũy cho con tài sản. Cuối cùng, khi đi học xa nhà, tôi không nấu được một bữa cơm gọn gàng cho chính mình. Tôi đem tiền đi đổi lấy những bữa cơm nguội ngắt, nhạt nhẽo ngoài quán xá. Về sau, học dần cách nấu, tôi nấu cũng tạm được nhưng nhận ra mình đã sống trong thói quen lười nhác lâu ngày nên bây giờ không đủ hứng thú với bát đĩa nồi niêu. Cứ thế, tôi từ một đứa trẻ đầy đủ trở nên túng thiếu bởi những nợ nần loanh quanh. Việc học hành bỗng trở nên khó khăn, nặng nề, kết quả thấp và đầy chán nản…

Cũng may, tôi nhận ra điều ấy sớm hơn. Và quyết định rèn luyện cho con mình sự cứng cáp, tự lập trong hạnh phúc. Rèn cho con biết tự lo cho mình bằng cái nhìn tích cực, lạc quan về đời thay vì kiểu bo bo tích lũy tiền của và nhìn cuộc đời một cách ủ ê.

Nếu ai đó hỏi tôi, xem tôi đã để dành được gì cho con, tôi sẽ nói, tôi tích lũy được cho con bao nhiêu là niềm vui và sự chủ động để thu xếp chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa…

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.