Hiện tượng này rất thường gặp, nhưng đến giờ khoa học mới nhận ra nó phổ biến đến thế nào. Có điều, lời giải vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Mới đây, trong một chuyến khảo sát thực địa tại khu vực đồng bằng Kizilirmak của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khoa học đã nhận thấy một hiện tượng kỳ lạ.
Nó diễn ra ngay trong bức ảnh dưới đây.
Nhìn kỹ nhé, bạn thấy gì?
Bạn có nhận ra điểm đặc biệt trong bức hình không? Nếu chưa thì hãy để ý các chấm vàng trông như lá cây trên lưng của con trâu.
Chỉ có điều đấy không phải lá cây, mà là hàng chục con ếch tí hon đang đu bám trên đó – một hiện tượng khoa học chưa từng thấy bao giờ.
Nhìn thoáng qua, đây là hai sinh vật chẳng có gì liên quan. Tuy nhiên sau khi quan sát, các chuyên gia từ ĐH Mickiewicz (Ba Lan) nhận thấy hiện tượng này hóa ra phổ biến hơn họ tưởng.
Thông thường, một con trâu sẽ có khoảng 2 – 5 con ếch bám trên đó. Cá biệt hơn, có 1 trường hợp “nuôi” tới 27 con ếch.
Và theo nhà sinh thái học Piotr Zduniak – chủ nhiệm nghiên cứu, hiện tượng này dường như có chủ đích khá quan trọng về mặt sinh học.
“Quan sát của chúng tôi cho thấy ếch và trâu có một mối quan hệ về mặt sinh học” – Zduniak chia sẻ.
“Ếch bám trên lưng trâu có thể cũng tương tự như hiện tượng chim đậu trên các loài thú lớn”.
Nguyên nhân cụ thể đứng sau hiện tượng này hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy vậy, Zduniak cho rằng đây là mối quan hệ cộng sinh.
Ếch ăn côn trùng, còn cơ thể trâu vốn là nơi rất nhiều loài côn trùng trú ẩn.
Về cơ bản, ếch ăn côn trùng, còn cơ thể trâu vốn là nơi rất nhiều loài côn trùng trú ẩn. Chọn bám trên lưng trâu, ếch có một nguồn thức ăn dồi dào, trong khi trâu cũng chẳng lo về lũ sâu bọ khó chịu đang lẩn khuất trên cơ thể.
Các nhà khoa học còn đưa ra một số giả thuyết khác nữa, như việc ếch lợi dụng trâu để sưởi ấm chẳng hạn.
“Lũ ếch có thể lợi dụng trâu làm một nguồn nhiệt hiệu quả. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với các loài lưỡng cư, đặc biệt là khi nhiệt độ môi trường xung quanh xuống thấp”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nghi ngờ chuyện mối quan hệ này. Theo Judith Bronstein – nhà sinh thái học tại ĐH Arizona, ông không tin hiện tượng này là cộng sinh.
“Cộng sinh thường là khi một loài nhận dọn dẹp ký sinh trùng cho loài kia – như một số loài cá nhỏ thường theo đuôi cá lớn. Nhưng nếu phải đặt cược, tôi sẽ chọn việc đây không phải là cộng sinh”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Acta Herpetologica.