Khi một giảng viên đại học yêu cầu các sinh viên mặc áo thun Siêu nhân, thì có một lý do khoa học đằng sau yêu cầu đó. Giảng viên Karen Pine muốn biết, liệu quần áo của anh hùng có thể gây ra một tác động vô thức lên quá trình suy nghĩ của các sinh viên. Sự hồ nghi của bà đã được xác minh.
Bà phát hiện thấy, nó nâng cao ấn tượng của họ về bản thân họ và làm họ tin rằng họ mạnh mẽ (về thể chất) hơn những người trong nhóm đối chứng. Phát hiện này và những phát hiện khác về quần áo có thể thay đổi tâm trí chúng ta ra sao, là chủ đề của cuốn sách mới của bà Mind What You Wear: The Psychology of Fashion.
Khi mặc một cái áo thun Siêu nhân, các sinh viên của Pine đánh giá bản thân họ là đáng yêu hơn và giỏi giang hơn những sinh viên khác. Khi được yêu cầu đánh giá họ có thể nâng vật nặng bao nhiêu cân, thì những người mặc áo Siêu nhân nghĩ rằng, họ mạnh hơn những sinh viên khác mặc cái áo thun tương tự nhưng không có logo Siêu nhân. Cuốn sách của Pine tiết lộ những quá trình tâm lý và nhận thức của con người có thể bị chỉ dẫn như thế nào bởi quần áo, khi họ tiếp nhận ý nghĩa biểu tượng của bộ đồ của họ.
Quần áo thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận
Tôi từng có một bài viết về làm thế nào những khác biệt nhỏ trong quần áo có thể ảnh hưởng đến những ấn tượng của người khác về một người. Nhưng các nghiên cứu về nhận thức mặc quần áo cho thấy quần áo có thể ảnh hưởng đến cả người mặc chúng, ảnh hưởng đến những quá trình suy nghĩ và tâm trạng của họ. Nếu bạn từng nằm bệnh viện, phải mặc bộ đồ nhợt nhạt, không có kiểu dáng giống như một cái áo dài của em bé, bạn có thể nhớ lại nó làm bạn cảm thấy mình ngoan ngoãn, dễ bảo và không tự lực được như thế nào.
Nghiên cứu bây giờ đã xác minh rằng quần áo thực sự chỉ dẫn bộ não hoạt động khác đi. Trong những năm 1990, Barbara Fredrickson phát hiện thấy những phụ nữ được giao cho làm một bài kiểm tra toán đã làm bài tệ hơn khi mặc một bộ đồ bơi so với mặc áo dài tay, dù điểm số của đàn ông không bị ảnh hưởng bởi quần áo của họ. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi cơ thể phụ nữ bị phô bày, thì cô ấy lo lắng về việc người khác đang đánh giá cô, còn những người đàn ông trong nghiên cứu này thì ít bị ảnh hưởng bởi điều này và có thể tập trung vào bài toán.
Trong Mind What You Wear, Pine mô tả nghiên cứu của Adam Galinski, người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “nhận thức mặc quần áo” (enclothed cognition) và phát hiện thấy sự linh hoạt tinh thần của một người được cải thiện khi họ mặc một áo choàng màu trắng. Áo choàng chỉ dẫn bộ não của họ đảm nhiệm những năng lực tinh thần nhạy bén mà họ gắn liền với một bác sỹ. Điều thú vị là, thành tích của những người tham gia không thay đổi đáng kể khi họ được cho biết cái áo choàng đó là của một hoạ sỹ, cho thấy chính biểu tượng gắn liền với quần áo hơn là chất liệu quần áo đã chỉ dẫn cơ chế làm thay đổi nhận thức.
Chúng ta trở thành cái chúng ta mặc
Pine đem đến nhiều hiểu biết thú vị về những hậu quả nhận thức, xã hội và cảm xúc của quần áo trong cuốn Mind What You Wear. Bà mô tả mối liên kết giữa những tâm trạng của phụ nữ và sự lựa chọn quần áo của họ. Bà phát hiện thấy phụ nữ có nhiều khả năng mặc đồ jean khi cảm thấy chán nản hoặc phiền muộn, Pine khám phá làm thế nào quần áo có thể củng cố những tâm trạng tiêu cực.
Bà cũng tiết lộ nghiên cứu gần đây về mối liên kết giữa tâm trạng và quần áo, chỉ ra khi phụ nữ bị stress thì thế giới của họ thu hẹp và gây ra kết quả là họ mặc ít số đồ trong tủ quần áo của họ, phớt lờ khoảng 90% số quần áo. Cuốn sách cũng có nhiều mẹo về làm sao để cảm thấy vui vẻ hơn và tự tin hơn với loại quần áo phù hợp, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ là thứ chúng ta mặc, mà chúng ta còn trở thành thứ chúng ta mặc.