Trong lúc nghiên cứu một đám mây bụi khí khổng lồ giữa trung tâm Ngân hà, các nhà thiên văn Đức phát hiện nó có chứa các hóa chất tạo nên mùi vị của quả mâm xôi.
Giới thiên văn đã tìm thấy hợp chất cao phân tử thuộc nhóm rượu, axit hữu cơ và aldehyde trong Ngân hà. Ảnh: current.com. |
Các nhà thiên văn thuộc Viện nghiên cứu Max Planck (Đức) đang tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của các amino axit – nhóm hóa chất tạo nên sự sống – trong vũ trụ. Họ dùng kính thiên văn IRAM ở Tây Ban Nha để phân tích bức xạ điện từ phát ra từ vùng có mật độ vật chất dày đặc bao quanh một ngôi sao mới sinh.
Bức xạ từ ngôi sao bị hấp thu bởi những phân tử trong đám mây bụi khí, sau đó các phân tử lại phát ra bức xạ theo nhiều mức năng lượng khác nhau (mức năng lượng phụ thuộc vào loại phân tử).
Trong lúc phân tích dữ liệu, nhóm chuyên gia phát hiện sự tồn tại của ethyl formate – hóa chất làm nên mùi vị của quả mâm xôi – trong đám mây bụi khí. Ngoài ra họ còn tìm thấy propyl cyanide (một hóa chất độc hại) trong đám mây đó.
“Ethyl formate tạo nên mùi vị của quả mâm xôi, song nếu muốn dải Ngân hà có mùi vị tương tự, chúng ta cần có thêm nhiều loại phân tử nữa”, nhà thiên văn Arnaud Belloche, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Năm ngoái, Arnaud Belloche và cộng sự đã phát hiện ra một loại phân tử có thể tạo ra amino axit trong vũ trụ. Đó là amino acetonitrile. Trước đó, các nhà thiên văn cũng tìm thấy nhiều loại hợp chất cao phân tử thuộc các nhóm rượu, axit hữu cơ và aldehyde trong dải Ngân hà.
Mâm xôi thuộc loại cây nhỡ thân leo, cành nhiều lông và gai, lá đơn có lông, phiến lá chia 5 thùy hình chân vịt. Cụm hoa hình chùm có 5 cánh trắng, nhiều nhị đực, nhiều lá noãn đỏ. Khi chín hoa biến thành quả hạch, tập hợp thành quả kép trông giống mâm xôi. Quả mâm xôi (phúc bồn tử) chín có màu đỏ tươi rất đẹp, vị chua ngọt, ăn ngon.
Theo VnExpress (Guardian)