Hệ lụy cay đắng từ 1 ca sinh khó

Hệ lụy từ một tình huống sinh khó

Da tím tái giữa trời mùa đông rét cắt da cắt thịt của miền Trung, vợ không còn biết gì nữa sau ca sinh nở khó khăn kinh hoàng, đau vật vã nguyên một ngày trời để rồi tự cắn răng rặn con ra cùng với việc can thiệp bằng kỹ thuật forceps (phóc-xép), chứ không hề được mổ đẻ như mình vẫn nghĩ.

Bồng vợ trên tay, nghĩ khôn thì ít, nghĩ dại thì nhiều, mình đã gai hết cả người và nghĩ về một thảm cảnh mất vợ. Nhưng ơn trời, vợ mình qua khỏi.

Con mình, lúc sinh ra nặng đến 4kg, đến bây giờ đã lớn, nhưng vẫn còn nguyên một vết hằn trên đầu. Và thật tiếc là không được may mắn như mẹ.

Những ảnh hưởng của cú “kẹp đầu” để lôi ra khỏi bụng thật ghê gớm, 4 tuổi vẫn gần như nằm ngửa, không nói, không đi đứng, không phản xạ, chỉ duy nhất một thứ làm mình hy vọng, là ánh mắt con cực kỳ có hồn!

Và thực lòng mà nói, mỗi khi nghĩ về cái bệnh viện đó ở quê hương, mỗi khi đi ngang qua đó, mình lại trào lên một cảm giác hận thù đến cực độ, muốn chém giết, thậm chí muốn đốt cái bệnh viện đó cho hả giận. Nơi đó, vì sự yếu kém, vì sự vô tâm, và cả những sự không may mắn, mà đã suýt cướp đi mạng sống của vợ, và mẹ (sẽ kể ở một câu chuyện khác), và đặc biệt là để lại cho con mình những di chứng mà có lẽ, vợ chồng mình, con mình, sẽ còn phải sống chung và chiến đấu với nó đến hết cuộc đời này.

Để rồi từ đó là một chuỗi hành trình, mà mình từng bảo với vợ là dù có chết cũng phải cứu lấy cuộc đời nó, sẵn sàng vứt hết đi để trả lại cho nó một cuộc sống bình thường như bao thiên thần khác đã có mặt trên cuộc đời này. Sự không may trong số phận và sự yếu kém của những người bác sĩ đã cướp đi quyền được phát triển của con, thì bố mẹ sẽ bằng mọi giá trả lại cho con quyền đó.

Hệ lụy từ một tình huống sinh khó

Các bạn hãy hình dung cảnh một ông bố vừa bồng con vừa khóa chặt đầu và tay con lại, một người mẹ vừa khóc vừa quỳ vừa khóa hai chân của con lại, để rồi trân trân nhìn bác sĩ châm hơn 15 cái kim châm lên đầu, lên gáy, và dưới cằm đứa con của mình, và dỗ dành nó ngồi yên suốt một tiếng đồng hồ. Đêm nào cũng thế, ròng rã 2 năm trời liên tục, không nghỉ.

Có lần bận việc không về kịp, mình nhờ anh trai đưa cháu đi châm cứu hộ, và kết quả là anh trai đã phải bỏ cháu để chạy ra ngoài nôn ọe vì sợ hãi, và khóc.

Các bạn hãy hình dung bát cơm của nó lúc nào cũng xanh lè màu thuốc được trộn vào, bữa nào cũng như bữa nào, chúng ta nhìn vào còn không dám nếm, chứ đừng nói một thằng bé phải ăn kiểu như thế suốt mấy năm trời.

Các bạn hãy hình dung mỗi lần siêu âm, chụp chiếu, nếu không cho con uống thuốc ngủ, thì cả hai bố mẹ cùng phải vào phòng siêu âm và cùng nằm để khóa cứng con lại. Có lần ông nội của cháu ở quê ra rồi cùng mình đưa con đi chụp, mình đã phát cáu và muốn đấm thẳng vào mặt tay bác sĩ, khi hắn càu nhàu và chửi bố mình là đồ nhà quê, chỉ đơn giản bởi ông lóng ngóng mà quên trở kịp thằng bé theo sự hướng dẫn, vì nó nặng và phản ứng rất quyết liệt!

Tất cả các phương án như học vận động, giao tiếp, được vợ mình thực hiện với những giọt nước mắt bền bỉ và thậm chí là lỳ lợm, ở nhà và gần như là ở tất cả các trung tâm của HN, cho đến tận bây giờ.

Chẳng biết có phải do sự bù đắp của cuộc đời hay không, hay là phúc đức của tổ tiên để lại, hay cuộc đời này vẫn còn quá nhiều người tốt mà chúng ta đôi khi vì thiển cận và bộp chộp, đã để cảm xúc lấn át lý trí của mình. Từ ngày cõng con trên lưng trong hành trình tìm lại cuộc sống cho nó, mình đã gặp rất nhiều người tốt, người hàng xóm tốt, người cụ già tốt, người cô giáo tốt, người bác sĩ tốt.

Có những người bác sĩ, đã gọi điện trách móc sao đưa cháu đến khám muộn? Và họ gần như miễn phí toàn bộ chi phí châm cứu hàng đêm cho con mình, chỉ thu đủ tiền thuốc. Họ theo dõi tình trạng con mình qua điện thoại cả những ngày lễ, tết.

Có những người bác sĩ, đã cùng nhỏ những giọt nước mắt với hai vợ chồng, khi mấy người lớn cùng xúm vào đè nghiến thằng bé ra để lấy máu xét nghiệm.

Có những ông thầy lang ngày nào cũng như ngày nào, đạp xe đạp hơn 10km đến nhà để nắn bóp chân tay cho thằng bé trong những ngày mình quyết định đổi luân phiên môi trường cho nó từ thành thị về quê, 10 ngàn đồng cho một lần như thế, âu yếm và chơi với nó như một người bạn lớn tuổi.

Có những người hàng xóm chủ động bồng con, bồng cháu sang chơi cùng con của mình, để “cho chúng nó giao tiếp”. Điều mà người lớn chúng ta đôi khi ích kỷ cố tách đứa con của mình ra khỏi những đứa trẻ chậm phát triển, hay tự kỷ.

Có những cô giáo đã đưa cả con của mình đến chơi cùng trong giờ dạy học giao tiếp, vận động, để giúp cháu có bạn, tăng cường vận động.

Có những cụ già đáng kính đầu tóc bạc phơ, khi gặp con mình, đã vòng tay lại, khom người xuống, để chào thằng bé! Cụ bảo, mình phải chào nó cho nó biết, để nó còn học theo chứ!

Có những người công an khi đứng chốt đèn đỏ, thấy con mình giẫy dụa trên xe máy và đã vượt tầm kiểm soát của mẹ nó, đã nhiệt tình chở con mình đến tận viện, rồi mới quay trở lại.

Và có cả những người bạn trên mạng của mình, dù chưa một lần gặp mặt cũng đã lọ mọ đến cả Tokyo hay Đài Loan để cầu phúc và xem bói cho thằng bé, có người trong một chuyến công tác ở Nhật còn lấy về một lá bùa làm quà và gửi tặng,

Con mình đã có những bước tiến bộ kỳ diệu, hơn 7 tuổi, đã đi lại tung tăng, cười nói suốt ngày, biết ôm đàn guitar để bắt bố chỉnh dây và tập chơi, và thuộc gần như trọn vẹn gần 150 bài hát trong xe của bố, mà đa phần là nhạc Trịnh!

Hệ lụy từ một tình huống sinh khó

Con mình giờ thích bố cõng, đòi mẹ bế bồng, thậm chí đòi bố mẹ đưa đi chơi các anh/chị con bác, điều mà những năm 4, 5 tuổi, vợ chồng mình có mơ cũng không thấy.

Con mình giờ thích đi học, đã thấy vui với bạn bè và biết sợ, biết yêu cô giáo. Mình đủ khả năng, điều kiện và nỗ lực để cho con học ở một trong những môi trường giáo dục tốt nhất nhì Hà Nội bây giờ, nhưng vẫn đang chấp nhận ngày nào cũng hai bố con đi-về một hành trình gần 80km để đến lớp, về nhà. Lớp học tại một trung tâm giáo dục tư nhân cho các bé chậm phát triển, rất cũ kỹ và thiếu thốn, và thiệt thòi, nhưng lại cực kỳ ấm áp tình người và đặc biệt là hiệu quả. Mỗi cô giáo ở đấy đều là một giáo viên và bác sĩ thân thiện, và nỗ lực, và quý người. Đứa học trò nào cũng đẹp như tranh vẽ. Mình sẽ viết rõ hơn sau này.

Điều đó làm cho mình có những sự thay đổi đặc biệt trong tư duy và nhận thức, mình không bao giờ đi theo trào lưu chung của cộng đồng để lên án ngành giáo dục nói chung và các thầy cô giáo nói riêng, không còn cảm giác căm hận bác sĩ như ngày xưa mà thay vào đó là sự cảm thông và biết ơn họ sâu sắc. Cuộc đời này rất nhiều người tốt mà chúng ta cần phải hiểu biết hơn, va chạm hơn, và thực tế hơn, để trân trọng họ một cách thấu đáo và vị tha, và tình cảm.

Trong đời sống thường ngày, mình thường chủ động đưa con mình ra trước cộng đồng mà không hề giấu diếm bệnh tật của cháu, đây là điều mình tự hào khác hẳn với đa phần những ông bố, bà mẹ có con không may bị như thế. Và trên mạng ảo, hôm nay là lần đầu tiên…

(Theo PKS – DD WTT)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.