Hiểm họa sốt xuất huyết “giấu mặt” trong lọ hoa nhà bạn

Hiểm họa sốt xuất huyết 'giấu mặt' trong lọ hoa nhà bạn
Mẹ chủ quan, con bị sốt xuất huyết
Mưa kéo dài, khiến muỗi phát triển nhanh, song khi mẹ chủ quan trong việc ngủ màn hay diệt muỗi lại khiến trẻ phải hứng chịu hậu quả khôn lường. Chị Nguyễn Thị Huệ (Cầu Giấy – Hà Nội) vẫn chưa hết áy náy mặc dù con chị đã xuất viện cách đây 2 ngày sau đợt điều trị sốt xuất huyết.
Chị Huệ chia sẻ: “Chỉ trong một khoảnh khắc vì đi làm về mệt, nên ăn uống và tắm rửa xong mình có bảo con trai 7 tuổi vào phòng học xong rồi đi ngủ. Còn mình thì dự định về phòng nằm nghỉ một lát rồi sẽ sang phòng xem con ngủ thế nào. Nhưng hôm đó tôi lại ngủ quên mất, sáng hôm sau vào phòng thì thấy mặt bé có nhiều vệt muỗi cắn. Những ngày sau đó, tôi cũng chỉ bôi thuốc trên mặt cho bé mà không để ý đang có dịch sốt xuất huyết. Khoảng 1 tuần sau, con phát sốt lên 39 độ, tôi hoảng vội vàng đưa bé đến bệnh viện. Sau khi thăm khám và xét nghiệm thì bác sỹ cho biết bé bị sốt xuất huyết”.
Hiểm họa sốt xuất huyết 'giấu mặt' trong lọ hoa nhà bạn
Nếu không phòng bệnh cẩn thận dễ khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát. Ảnh minh họa.
Muỗi tấn công liên tục khi ngồi học dẫn đến sốt xuất huyết là trường hợp của bé Nguyễn Minh Hương (9 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội). Chị Lê Thị Nga (mẹ của bé Hương) cho biết: “Thời gian gần đây, muỗi xuất hiện nhiều trong nhà, mặc dù tôi đã nhờ người phun thuốc chống muỗi từng phòng nhưng do xung quanh có nhiều bụi rậm, ao hồ nên vẫn không hết. Cứ mỗi tối, con tôi lại bị muỗi đốt sưng chân, hậu quả là bé đã phải cấp cứu vì sốt xuất huyết. Sau khi được điều trị, hiện nay sức khỏe của bé đang được phục hồi”.
Hiện vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chủ quan với dịch sốt xuất huyết. Nhiều người không biết rằng, xung quanh nơi ở vẫn luôn có những nơi rất nhỏ nhưng ứ đọng nước rất dễ là nơi muỗi sinh sôi.
Sốt xuất huyết có thể xảy ra do bắt nguồn từ hệ thống thoát nước ứ đọng, không có nắp che chắn và không được xử lý bởi hóa chất. Nhiều bậc phụ huynh cũng lầm tưởng rằng, muỗi chỉ sinh sôi nảy nở ở ao hồ, kênh rạch, mà không biết rằng chính lọ hoa tươi, chậu cây cảnh trong nhà cũng là nơi mà muỗi trú ẩn để sinh sản.
Sau khi được bác sỹ chỉ rõ nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết cho bé, chị Lê Thị Nga chia sẻ: “Từ trước đến nay tôi cũng không nghĩ rằng, lọ cắm hoa ở góc nhà mà hàng ngày vẫn thấy lại chính là nơi để muỗi sinh sản. Tôi đã về nhà kiểm tra theo lời bác sỹ, khi đổ nước bên trong ra thì phát hiện rất nhiều loăng quăng trong đó. Tôi cũng đã đi xung quanh ngôi nhà để nhặt nhạnh những lọ vỡ tránh tạo môi trường cho muỗi sinh sản”.
Không chỉ vậy, muỗi rất thích sinh sản trong nước mưa, nhiều vùng nông thôn lại xây bể để chứa nước mưa dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Đây là môi trường cho loăng quăng trú ngụ. Mặt khác, những chiếc ủng, chai lọ xung quanh nhà có chứa nước mưa cũng là môi trường để muỗi sinh sản. 
Cần làm gì để chống bệnh sốt xuất huyết bùng nổ?
Theo bác sỹ Trần Liễu (Chuyên khoa truyền nhiễm), để phòng tránh muỗi sinh sôi và nảy nở trong nhà, không chỉ phun thuốc khử côn trùng y tế mà còn cần phải vệ sinh vườn nhà cẩn thận, phát quang bụi rậm. Những vũng nước quanh nhà cần phải được tháo khô, đặc biệt chú ý cả những bình nước trồng cây cảnh 
Thu gom rác thải quanh khu vực sinh sống như: lo thủy tinh, chai nhựa, mảnh lu vỡ, … lật úp các dụng cụ chứa nước. Bể chứa nước cần phải được che đậy cẩn thận hoặc thả cá để diệt loăng quăng sinh sản, buông màn trước khi đi ngủ, giặt chăn màn và xử lý bằng nước giặt y tế.
Các loại rác thải quanh khu vực gia đình cần phải được giọn sạch hoặc xử lý. Để không chỉ môi trường thông thoáng tránh sự phát triển của muỗi mà còn phòng các bệnh dịch khác.
Vũ Minh
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.