Mặc dù bao cao su (BCS) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe song sản phẩm này vẫn chưa được kiểm soát về chất lượng.
Tràn lan trên thị trường
Mới đây, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã bắt 1 tấn BCS giả, trên vỏ ghi nước sản xuất là Malaysia nhưng xuất xứ từ Trung Quốc. Một số “đầu nậu” cho biết số BCS này sẽ được bán cho các nhà nghỉ… “theo ký” và tuồn vào các hiệu thuốc. Trước đó, tháng 7-2015, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng bắt giữ gần 700.000 BCS giả mạo xuất xứ hàng hóa. Thông tin trên khiến không ít người tiêu dùng hoang mang và lo lắng. Chị Trần Ánh Ngọc (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sau khi sinh bé đầu tiên, vợ chồng chị thường sử dụng BCS để tránh thai. Các sản phẩm này được chị mua ở hiệu thuốc gần nhà. Thế nhưng, không ít lần cả vợ chồng chị bị dị ứng và mắc bệnh phụ khoa khi dùng BCS. “Bản thân tôi có cơ địa dị ứng nên cứ nghĩ rằng mình không phù hợp với loại BCS này nhưng có lần cả ông xã cũng bị dị ứng, mụn rộp. Nay nghe thông tin này, tôi cho rằng có lẽ mình đã mua phải sản phẩm kém chất lượng” – chị Ngọc nói. Đọc thông tin trên, anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ Gia Lâm, Hà Nội) không khỏi bức xúc bởi khi đến nhà thuốc mua BCS, người ta đưa thì anh nhét vào túi mang về chứ mang ra săm soi làm gì mà biết thật hay giả.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trên thị trường Việt Nam có hàng chục loại BCS khác nhau với nhiều xuất xứ như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật, Đức… và cũng có nhiều loại không xuất xứ. Mặc dù BCS ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe song hầu hết người mua chỉ chú ý đến mẫu mã và giá cả sản phẩm chứ không quan tâm có phải là hàng thật hay không, của nhà sản xuất nào và hạn sử dụng ra sao. Theo ước tính, trung bình mỗi năm, người dân Việt Nam sử dụng từ 500-600 triệu BCS, đại đa số là dành cho nam giới. Tuy nhiên, có đến 85% BCS bán ở thị trường tư nhân nên nguy cơ người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, mua phải BCS giả là rất lớn. Một nghiên cứu khác tại TP HCM và Hà Nội cho thấy 26% BCS bán ngoài thị trường không đạt chất lượng. Các sai sót chất lượng của các lô BCS này là thủng lỗ, sai kích thước, chất bôi trơn không đạt, test nổ (độ đàn hồi) không chuẩn. Nhu cầu cao cũng khiến BCS trở thành hàng hóa dễ làm giả, làm nhái có xuất xứ từ nhiều xưởng sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu ở Trung Quốc “tràn” vào Việt Nam.
Nguy cơ dị ứng, vô sinh
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện BCS vẫn được quy định là hàng hóa thông thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên không phải chịu kiểm duyệt về chất lượng. Nguyên nhân là trước đây, BCS chủ yếu do nhà nước bao cấp, được phát miễn phí theo kênh cộng tác viên dân số đến từng gia đình. Tuy nhiên hiện nay, nhà nước không còn bao cấp BCS cho mọi đối tượng nữa mà chỉ trợ giúp “phương tiện” cho người nghèo, người dân tộc thiểu số… Trong khi thị trường BCS cũng nở rộ với hàng chục loại khác nhau, nhập từ nhiều nước trên thế giới. Người dân không chỉ dùng BCS như biện pháp tránh thai, tránh bệnh mà còn có nhu cầu tăng cảm xúc, giúp thăng hoa trong đời sống lứa đôi. Tuy nhiên, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở các sản phẩm kém chất lượng là chất tạo độ trơn không bảo đảm, độ liên kết đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất khá mạnh, nét chữ trên bao bì thường mờ, nhòe, vỏ bao khó xé…
Nói về những tác hại từ BCS giả, không bảo đảm chất lượng, nhiều bác sĩ cảnh báo để tiết kiệm chi phí, nhà sản xuất sẽ thay thế bằng các chất liệu rẻ tiền khiến tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Hơn nữa, do quy trình sản xuất BCS giả không an toàn, không được kiểm định về chất lượng nên đây còn là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Nếu sử dụng và bị viêm nhiễm trong thời gian dài, người dùng có thể bị các bệnh phụ khoa, nam khoa, thậm chí vô sinh. Bên cạnh đó, BCS chất lượng kém còn có khả năng bị thủng, rách bất cứ lúc nào. Điều này sẽ dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai…
Sẽ kiểm soát các phương tiện tránh thai
Theo ông Nguyễn Văn Tân, không chỉ BCS mà nhiều sản phẩm khác như: miếng dán tránh thai, kem bôi trơn… phục vụ đời sống tình dục vẫn bị coi là hàng hóa loại 1, không bị kiểm soát chất lượng, trong khi chúng có tác động rất lớn đến sức khỏe con người. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư, đưa các loại phương tiện tránh thai như BCS, miếng dán, kem bôi trơn… vào danh mục hàng hóa loại 2 – là loại hàng hóa phải kiểm soát chất lượng vì có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.