Tháng 7/2001, một trận mưa màu đỏ như máu bí ẩn trút xuống một khu vực rộng lớn ở miền Nam Ấn Độ. Song ngạc nhiên hơn nữa trong hạt mưa các nhà khoa học đã phát hiện những tế bào sống không có AND (thành phần cơ bản của sự sống trên trái đất). Phải chăng đây là nhưng bằng chứng xác thực đầu tiên về sự hiện diện của sự sống ngoài trái đất.
Tiến sĩ Godfrey Louis |
Người dân địa phương tin đó là điềm báo trước sự tận thế của thế giới, mặc dù đã có sự giải thích chính thức hiện tượng là ảnh hưởng của bụi sa mạc thổi đến từ Arập.
Nhưng một nhà khoa học trong khu vực, Tiến sĩ Godfrey Louis, nhà vật lý học tại Đại học Mahatma Gandhi, cho rằng có điều gì đó bất thường đã xảy ra. Tiến sĩ Louis không chỉ khám phá sự hiện diện của các tế bào sinh học bé nhỏ trong nước mưa, song vì nó không chứa ADN – thành phần chủ yếu của mọi dạng sống trên trái đất – nên Louis lập luận rằng có thể nó là các dạng sống ngoài hành tinh. Trước Louis vài thập niên đã có hai nhà khoa học Anh đưa ra lý thuyết này.
Một cách rõ ràng, Louis có được các cấu trúc kỳ lạ, thành dày, màu đỏ giống như tế bào, kích thước khoảng 10 micron. Điều lạ lùng hơn, hàng chục thí nghiệm của Louis cho thấy rằng các phần tử có thể thiếu ADN, tuy nhiên vẫn còn khả năng sinh sản dồi dào, thậm chí chúng có thể tồn tại trong nước ở 300oC (Được biết giới hạn cao nhất cho sự sống trong nước là khoảng 120oC).
Làm thế nào để giải thích hiện tượng này? Tiến sĩ Louis suy luận rằng các phần tử có thể là vi khuẩn ngoài trái đất thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt trong không gian và các vi khuẩn bị bám vào sao chổi hay thiên thạch rồi sau đó vỡ ra trong khí quyển trên cao và hòa vào các đám mây gây mưa bên trên vùng trời Ấn Độ.
Nếu lý thuyết của Louis là đúng, thì các tế bào này sẽ là bằng chứng đầu tiên được chứng minh về sự sống ngoài hành tinh và từ đó có thể là bằng chứng mới về nguồn gốc sự sống trên trái đất (?).
Năm 2005, Louis đã gửi vài mẫu thí nghiệm đến nhà thiên văn học Anh gốc Sri Lanka Chandra Wickramasinghe và đồng nghiệp ở Đại học Cardiff ở xứ Wales và họ hiện đang thử nghiệm tái tạo các mẫu vật.
Qua nghiên cứu Wickramasinghe cho biết: “Chúng tôi có những bức ảnh tuyệt hay về những tế bào cắt lát ở giữa này. Chúng tôi nhìn thấy chúng sinh sôi, với tế bào nhỏ trong tế bào lớn”.
Lý thuyết của Louis đặc biệt hấp dẫn đối với Wickramasinghe. Cách đây 1/4 thế kỷ, Giáo sư Wickramasinghe là đồng tác giả với Sir Fred Hoyle về Thuyết tha sinh hiện đại, ý tưởng cho rằng sự sống trên trái đất có nguồn gốc từ hành tinh khác.
Giáo sư Wickramasinghe nói: “Nếu đúng là sự sống được sao chổi đưa vào trái đất cách đây 4 tỉ năm, thì có thể cho rằng thỉnh thoảng các vi sinh vật vẫn tiếp tục thâm nhập môi trường chúng ta. Đây có lẽ là một trong những sự kiện này”. Nhà vi sinh vật học Milton Wainwright của Đại học Sheffield, thành viên trong đội khoa học nghiên cứu các mẫu của Louis, giải thích rằng bước tiếp theo sẽ là xác định xem liệu có phải các tế bào thiếu ADN hay không.
Tế bào “ngoài hành tinh” phóng đại 500 lần dưới kính hiển vi
(Ảnh: sinia-planeta.com)
Wainwright giải thích: “Bởi vì sự sống như chúng ta biết nó phải chứa ADN, hoặc đó không là sự sống. Nhưng cho dù sinh vật này được chứng minh là bất thường, thì sự vắng mặt ADN cũng không có nghĩa là nó đến từ hành tinh khác”.
Louis và Wickramasinghe đang lên kế hoạch nghiên cứu xa hơn để test các tế bào bằng chất đồng vị carbon. Nếu kết quả cho thấy chúng nằm ngoài chuẩn mực sự sống trên trái đất thì đó sẽ là bằng chứng thuyết phục cho thuyết của Louis.
Giáo sư Wickramasinghe đã lên đường đến Ấn Độ để trực tiếp điều tra hiện tượng mưa màu đỏ. Ông gặp Tiến sĩ Louis và cả hai cùng đến thăm những người chứng kiến trận mưa đỏ.
Nghiên cứu của Louis cho thấy mưa đỏ có thể tái tạo ở 300oC, một thuộc tính chủ yếu của vi sinh vật ngoài không gian chịu được nhiệt độ cực cao. Tất cả những điều đó càng làm cho Giáo sư Wickramasinghe tin rằng mưa đỏ là một dạng sự sống ngoài hành tinh.
G
Nhà thiên văn học Chandra Wickramasinghe (Ảnh: BBC) |
iáo sư nói: “Trước khi đến Ấn Độ, tôi đã nghi ngờ không biết trận mưa màu đỏ thật sự có là dấu hiệu của một dạng sống đến từ không gian hay không. Nhưng sau khi tiếp xúc với Godfrey, tôi tin rằng trận mưa đỏ thể hiện sự xâm nhập của vi khuẩn từ không gian”.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn còn hoài nghi lý thuyết của Thuyết tha sinh. Mặc dù thế nào, Giáo sư Wickramasinghe vẫn tin tưởng vào lý thuyết của mình. Ông nói: “Tôi hoàn toàn tin rằng chúng tôi đúng. Nếu một lý thuyết là sai, thì sớm muộn gì nó cũng gây xung đột với các quan sát. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra từ năm 1977 – khi lần đầu chúng tôi đưa ra các ý tưởng này – và đang dần được xác định, chứ không có sự phản bác hay chứng minh ngược lại”.
Nhưng, có không ít nhà khoa học còn phê phán mạnh mẽ Giáo sư Wickramasinghe vì ông tuyên bố virus gây nên hội chứng hô hấp Sars trầm trọng năm 2003 và cúm gà năm 2000 là đến từ không gian!
Đã trải qua 3 thập niên, Giáo sư Wickramasinghe nhận được nhiều thư từ và các cuộc điện thoại mang tính đe dọa đối với các ý tưởng của ông, nhưng Thuyết tha sinh của giáo sư hiện đang ngày càng được chấp nhận hơn.
Bằng chứng là ngày càng có nhiều đầu tư vào việc tìm kiếm sự sống ngoài không gian. Theo Giáo sư Wickramasinghe, sự hoài nghi và chỉ trích của giới khoa học chủ yếu là thái độ của thời kỳ tiền Copernic.
Trước giữa thế kỷ XV, người ta nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Galileo và Copernic cùng với những người khác lúc đó đã bác bỏ quan điểm này, song phải trải qua một cuộc đấu tranh dài con người mới từ bỏ được quan điểm trái đất là trung tâm. Giáo sư Wickramasinghe nói: “Tôi nghĩ vũ trụ có đầy rẫy sự sống có tri giác… và sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ tiếp xúc được với trí thông minh ngoài hành tinh”
Di An (Tổng hợp)
Theo CAND.com.vn