Hiện tượng sóng triều hiếm gặp xuất hiện tại Nhật Bản

Trận động đất mạnh kéo theo sóng thần ở miền Đông Nhật Bản hôm 21/11 vừa qua không gây tổn thất, thương vong đáng kể, nhưng lại khiến xuất hiện một hiện tượng thú vị hiếm gặp gọi là “sóng triều cửa sông”.

Các đoạn phim ghi lại hiện tượng sóng triều cửa sông xuất hiện khắp các trang tin tức và truyền thông xã hội hôm 22/11. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng những con sóng chuyển động chậm trên các sông ngòi, kênh rạch?

Theo Andy Newman, phó giáo sư và là nhà địa vật lý tại Viện Công nghệ Georgia, “sóng thần xuất hiện cũng khá giống thủy triều, có thể gồm những cấu trúc sóng triều cửa sông”.

Hiện tượng sóng triều cửa sông xuất hiện sau trận động đất và sóng thần vừa qua tại Nhật Bản. (Ảnh: CNN).

Trước đây người ta thường xem sóng thần là sóng thủy triều, nhưng điều này không đúng bởi sóng thần không liên quan đến những con sóng thực, mà xuất hiện do động đất hay sự dịch chuyển của Trái Đất chẳng hạn như hiện tượng sạt lở đất.

Sóng triều cửa sông được tạo ra khi một đợt sóng biển ồ ạt như đổ vào phễu khi chảy vào các nhánh sông, kênh rạch hẹp, dài, tạo ra đợt sóng chuyển động chậm theo hướng ngược dòng.

Có một số nơi trên Trái Đất, do đặc điểm địa lý địa phương, thường xuất hiện những đợt sóng triều cửa sông lớn, chẳng hạn như Vịnh Fundy của Canada, Sông Severn ở Anh, sông Tiền Đường ở miền Đông Trung Quốc. Trong thời gian diễn ra những đợt sóng lớn nhất – chẳng hạn vào ngày trăng tròn – sóng triều cửa sông hấp dẫn nhiều đám đông tới thưởng ngoạn và thậm chí là cả những tay lướt sóng kỳ cựu đến trải nghiệm.

Dù sóng triều cửa sông do sóng thần gây ra không gây nhiều nguy hiểm như khi sóng thần thực sự đổ bộ, song hiện tượng này vẫn có thể gây tác động đáng kể đối với vùng nội thủy.

Newman cho hay: “Những cơn sóng triều cửa sông có thể di chuyển nhiều km vào sâu vùng nội thủ, và có thể cuốn theo những người bất cẩn ngược dòng, gây hư hỏng các cầu cảng trên dòng sông”.

 

Theo baonghean