Gần đây, thông tin về việc hóa chất Pyriproxyfen mới là nguyên nhân gây teo não ở trẻ sơ sinh chứ không phải do virus Zika gây nên khiến nhiều người lo ngại. Đáng nói hơn, một bang ở Brazil, nơi có khá nhiều trẻ sinh ra bị teo não đã tạm ngưng sử dụng hoá chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt nhằm ngăn chặn sự sinh sôi ấu trùng muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sau khi có nghiên cứu cho rằng, hoá chất này liên quan đến căn bệnh teo não ở trẻ sơ sinh.
Trước những thông tin trên, ngày 15/2, Bộ Y tế cho hay, hiện nay một số nước trong khu vực và trên thế giới như: Campuchia, Brazil… sử dụng hoá chất Pyriproxyfen trong nguồn nước ăn uống.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ sử dụng hoá chất này trong nguồn nước thải để diệt ấu trùng muỗi trưởng thành gây bệnh sốt xuất huyết và Việt Nam đã cấp phép cho sử dụng Pyriproxifen từ 2015 đến nay. Đồng thời phía Bộ Y tế cũng cho biết, thông tin về việc Pyriproxyfen gây teo não ở trẻ sơ sinh hiện chưa có bằng chứng khoa học chính xác.
Cũng theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân đã được kiểm soát, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như: tả, cúm A(H5N1).
Các bệnh dịch lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu, sởi, tiêu chảy cấp chỉ ghi nhận lẻ tẻ một số trường hợp rải rác tại một số tỉnh, thành phố.
Các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã được kiểm soát ngay từ cửa khẩu và không ghi nhận trường hợp như: Ebola, bệnh do vi rút Zika, MERS-CoV, cúm A(H7N9)… xâm nhập. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên tích cực và chủ động tham gia phòng chống bệnh, bởi với điều kiện thời tiết giao mùa như hiện nay dịch bệnh rất dễ bùng phát.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
– Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
– Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
Nguồn: Theo Khám phá
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.