Nhóm chuyên gia thuộc Phòng nghiên cứu sinh học Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã thành công trong việc cho nở hoa ngay bên trong ống nghiệm đối với một số loại hoa thương phẩm.
Thạc sĩ Lê Văn Thức với hai ống nghiệm chứa hoa torenia đã đột biến sau khi chiếu phóng xạ – (Ảnh: M.Vinh)
Những giống hoa này đều được chiếu tia gamma với một liều nhất định trước đó. Nhóm chuyên gia đã ứng dụng kết hợp công nghệ hạt nhân và nuôi cấy mô, giúp rút ngắn thời gian tạo ra những giống hoa đột biến về hình dáng, màu sắc hoa ngay trong phòng thí nghiệm.
Thạc sĩ Lê Văn Thức, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm đã thực hiện thành công nghiên cứu đối với hoa forget me not, cúc đại đóa, cúc Nhật, torenia (có tên khác là mắt mèo, tố liên) với tỉ lệ nở hoa đồng loạt là 89,18%. Theo ông Thức, các giống hoa thuần chủng sẽ được tách mô cấy trong ống nghiệm cho đến khi phát triển thành cây con. Trong lúc cây con đang sinh trưởng trong ống nghiệm thì được chiếu tia gamma kích thích đột biến gene để tạo nên sự thay đổi ngẫu nhiên về màu sắc, hình dáng cây, hình dáng hoa. Sau chiếu xạ, cây hoa tiếp tục được nuôi dưỡng trong ống nghiệm cho đến khi nở hoa đồng loạt.
Tất cả công đoạn nghiên cứu và theo dõi sinh trưởng của cây hoa đều được thực hiện trong phòng vô trùng nên dễ chọn lọc giống mới. Trước đây để chọn giống đột biến có ưu thế sinh học phải chiếu xạ giống gốc và đem trồng khảo nghiệm ngoài môi trường, phương pháp này hiệu suất thấp do ảnh hưởng của môi trường tự nhiên.
Theo Tuổi Trẻ