Sáng 2/8, tâm bão Jebi ở quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 10 và khả năng chiều mai đổ vào Đông Bắc Bộ. Quảng Ninh, Hải Phòng, nơi tâm bão dự kiến đi qua đã hoãn tất cả cuộc họp ngày mai để tập trung chống bão.
>>> Bão Jebi tăng cấp trên biển Đông
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sáng nay tâm bão ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 10 (sức gió tối đa 102km một giờ). Ngày và đêm nay, bão theo hướng Tây Bắc, vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến 4h sáng mai, tâm bão ở trên vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 230km, duy trì cấp 10.
Sau đó bão khả năng đổi hướng Tây Tây Bắc, giữ tốc độ di chuyển 20km mỗi giờ, nhắm vào các tỉnh Đông Bắc Bộ. Khi vào đất liền, do ma sát bão giảm còn cấp 8. Hôm nay vùng biển quần đảo Hoàng Sa còn có gió mạnh cấp 10, biển động rất mạnh. Từ tối nay (2/08), vịnh Bắc Bộ (gồm cả các đảo Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 10.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. (Ảnh: NCHMF)
Về khả năng gây mưa, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhận định, từ đêm nay đến ngày 4/8 các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có một đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình khoảng 200-300mm; Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam 150-200mm, có nơi lớn hơn.
Chuyên gia khí tượng cảnh báo, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3-5m. Vùng núi khả năng lũ quét và sạt lở đất là rất lớn bởi khu vực này vừa trải qua đợt mưa lớn, đất đang “no” nước, rất dễ sạt.
Các tỉnh Đông Bắc Bộ đang khẩn cấp đối phó với bão Jebi. Báo Quảng Ninh đưa tin, tại cuộc họp khẩn sáng nay, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu dừng tất cả cuộc họp ngày 3/8; từ chiều 2/8 dừng toàn bộ chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan. Các huyện Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến khách du lịch thông tin về bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.
Chủ tịch Đọc chỉ đạo phương tiện neo đậu tránh trú bão phải được neo cẩn thận, chỉ để lại người có sức khỏe trông tàu. Các địa phương lên danh sách cụ thể và thực hiện di dời dân đang sinh sống trên ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngư dân sinh sống trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long lên bờ xong trước 8h sáng 3/8.
Các nhà hàng nằm sát biển Đồ Sơn đang khẩn trương chằng chống, tránh gió đập vỡ kính. (Ảnh: H.K)
Tại Hải Phòng, UBND thành phố đã chỉ đạo chủ phương tiện, tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn trước 21h ngày 2/8; từ sáng mai, dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa; tổ chức sơ tán người ở khu vực xung yến, trên hương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 7h sáng 3/8…
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu các lực lượng ứng trực, kiểm tra đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư ở chân đồi núi, mỏ đất đá của huyện Thủy Nguyên, Cát Bà, quận Kiến An và Đồ Sơn; tạm dừng các cuộc họp trong ngày 3/8 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão.
Theo VNE