Học là suốt đời nhưng thời gian tăng chiều cao cho con là rất ngắn

>>> Dạy con thông minh
 

Tôi sinh ra ở một xã nghèo bên dòng sông La, thuộc miền Trung – Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước. Giống như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi cũng là sản phẩm của thế hệ mà chỉ biết học, học và học, “học chữ” là quan trọng nhất. Cha công tác xa nhà, mẹ tôi tần tảo chăm lo làm việc để nuôi con. Cha mẹ đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất (có thể) cho ba anh em chúng tôi. Còn nhớ, mẹ lúc nào cũng cũng nhắc chúng tôi học, dành thời gian cho chúng tôi học, và khích lệ chúng tôi học. Mặc dù mẹ làm ruộng nhưng không hề cho các con tham gia việc đồng áng (ngoại trừ những kì nghỉ hè), lúc nào mẹ cũng nói “phải học để sau này đi thoát li…”.
 

Kết quả là cả ba anh em chúng tôi đều vào được đại học – điều đó rất hiếm ở quê tôi vào những năm của thập niên 70, 80. Tôi vào đại học với cân nặng chỉ có 32kg – may mà vừa chạm vào mức tối thiểu, đủ để được nhận vào học với lời nhắc nhở: “Sau 4 năm nữa, khi tốt nghiệp đại học phải được 36kg mới được phân công công tác”.

Tiếp nối cha mẹ, tôi và chồng cũng coi việc tập trung cho con “học chữ” là quan trọng nhất. Lúc nào chúng tôi cũng chú ý đến việc học của con, tạo điều kiện tốt nhất cho con học, học, học,… “học chữ” triền miên, học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô giáo, học ở trung tâm ngoại ngữ,… Kết quả các con đều học giỏi, đều đạt giải học sinh giỏi Thành phố Hà Nội, thi đỗ học bổng Asean đi học nước ngoài; thế nhưng, chiều cao và thể hình các con lại đều khiêm tốn, thuộc diện hình thể trung bình chứ chưa muốn nói là hơi “thấp bé, nhẹ cân” so với hiện nay. Các con tôi, không giỏi thể thao hay biết chơi nhạc cụ nào cả. Nhất là bây giờ muốn tăng chiều cao cho các con cũng chịu. Học là công việc suốt đời, chứ không chỉ dồn gánh nặng vào tuổi trẻ – lứa tuổi mà các con đang rất cần phát triển toàn diện, đó là “giai đoạn vàng”  phát triển thể lực, tầm vóc.

>>> Xem thêm: Muốn con thành thiên tài: Đừng chỉ trích, khích lệ thôi!

Giá như thời gian có thể quay trở lại, việc tôi cần phải làm ngay là cho con học thêm về kĩ năng sống, học chơi một vài nhạc cụ dân tộc, học vẽ, học trượt pa-tanh, học chơi vài môn thể thao như bóng bàn, cầu lông,… học chơi bóng rổ để tăng chiều cao cho con,… Điều mà tôi cảm thấy nuối tiếc nhất trong việc nuôi dạy con là trong lúc con mình đang ở độ tuổi phát triển thể lực thì mình đã không biết, không chú trọng phát triển thể lực mà lại tập trung quá nhiều vào việc cho con HỌC! Trong khi, “học” đâu chỉ là “học chữ” với các môn khoa học: văn, toán, vật lí, hóa học,… “Học” phải được hiểu rộng hơn, là ngoài kiến thức chính thống trong sách vở theo chương trình phổ thông, cần phải học vẽ, học hát, học tư duy, học kĩ năng sống, học làm người,…
 


Học tập suốt đời chứ không phải học trong một giai đoạn thời tuổi trẻ.

Thời xa xưa, nhiều nhà bác học, nhiều bậc hiền tài, doanh nhân nổi tiếng trong nước và trên thế giới, thời phổ thông họ không được học hành chính thống, không vào được đại học nhưng họ vẫn thành công – vì họ đã học tập suốt đời chứ không phải học trong một giai đoạn thời tuổi trẻ.

Quan trọng hơn, cần dạy cho con tính tự lập, niềm tin, tư duy của người thành công, sự khát khao thành công. Điều này hết sức cần thiết!Khi con đã có những tố chất, tư duy của người thành công, con có thể tự học, tự bổ sung các kiến thức cần thiết vào bất kì lúc nào. Thời đại công nghệ thông tin và truyền thông đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì có thể học ở mọi nơi, mọi lúc với mọi lứa tuổi – cơ hội cho học suốt đời là rất lớn.

Những năm gần đây, cha mẹ học sinh là một trong những nhân tố chủ yếu làm tăng áp lực học tập lên con trẻ, một mặt do xã hội quá coi trọng bằng cấp nên ai ai cũng chú trọng học kiến thức trong sách vở để lấy bằng cấp, ít chú ý đến việc cho con học kĩ năng sống, học làm người, ít chú ý đến phát triển thể lực cho con. Điều đó thật đáng buồn!

Học tập là suốt đời nhưng thời gian tăng chiều cao của mỗi người là rất ngắn so với cả cuộc đời!Việc thay đổi tư duy là hết sức cần thiết. Các bà mẹ trẻ hiện nay cần chú ý tránh áp lực điểm số, áp lực khoa cử, áp lực “học chữ” cho con để “lứa tuổi vàng” của các con được phát triển một cách đúng nghĩa nhất với hai chữ “toàn diện”.

Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Thuy Thủy

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.